Nỗi đau bé gái làm mẹ ở tuổi 13 vì bị bạn thân của bố hãm hiếp

Thứ tư, 27/07/2016, 15:01
Sau lần bị bạn thân của bố khống chế, giở trò đồi bại, Nguyễn Thị Ly (SN 1994, ngụ xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trở thành người mẹ “bất đắc dĩ” khi mới 13 tuổi.
Sự việc đau lòng xảy ra, cậu con trai Nguyễn Thành Công (SN 2007, con trai Ly) phải chào đời trong hoàn cảnh oái oăm. Bố đi tù vì tội hiếp dâm trẻ em, mẹ còn là một học sinh lớp 7.

Làm mẹ từ tuổi 13...

Sự việc xảy ra vào chiều 15/6/2006, khi Ly đang thái rau cho lợn trước nhà thì Nguyễn Văn Trung (SN 1984, ngụ xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, là anh em kết nghĩa với bố của Ly) đi vào. Biết Ly ở nhà một mình, thú tính nổi dậy, kẻ đã có vợ, hai con này bế thốc Ly lên giường rồi khống chế, giở trò đồi bại, mặc cô bé gào khóc, van xin.

Sau khi thỏa mãn thú tính, Trung dặn nạn nhân không được kể cho ai biết nếu không sẽ giết cả nhà. 4 tháng sau nhận thấy con có những biểu hiện lạ, bà Lê Thị Bích (SN 1976, mẹ của Ly) đưa con đi khám thì chết lặng khi nghe bác sỹ kết luận con gái mình có thai ở tháng thứ 4. Chân tướng của yêu râu xanh lộ diện, với hành vi “hiếp dâm trẻ em”, Trung bị tuyên án 18 năm tù.

Biết mình mang thai, Ly mặc cảm, bỏ học khi mới học xong lớp 7 để chuẩn bị làm mẹ. Từ một cô bé hồn nhiên, siêng năng, học giỏi, Ly sống khép mình, né tránh mọi người. Mang bầu đến tháng thứ 9 mà Ly chỉ cao 1m3, nặng 31kg. Giữa năm 2007, sau cơn vượt cạn, bé trai nặng 2,4kg chào đời trong đau đớn, tủi nhục. Tính đến thời điểm sinh con, Ly mới 13 tuổi, 1 tháng, 14 ngày.

Sau khi sinh, Ly đuối sức, ngủ li bì suốt ngày đêm. Mang tiếng là mẹ của một đứa trẻ nhưng việc chăm sóc con, Ly phó thác hoàn toàn cho người mẹ ruột. Bà Bích, mẹ Ly, một mình vừa chăm sóc con, vừa dỗ dành cháu ngoại.

“Cùng lứa tuổi, những đứa hàng xóm còn vô tư chơi đùa, cắp sách đến trường, đằng này, con gái tôi đã sớm phải chịu bất hạnh. Nó làm mẹ sớm quá nên đã biết gì đâu, ngay cả việc cho con bú mà tôi cũng phải nhắc suốt ngày. Nhiều lần thấy con khóc, nó cũng khóc theo. May mà đứa cháu sinh ra “biết thân biết phận” nên cũng ngoan ngoãn, bú no là ngủ. Mới đó mà giờ cháu tôi đã 9 tuổi rồi", nhắc đến số phận bất hạnh của con cháu mình, bà Bích trải lòng.

Vợ chồng bà Bích sinh được ba cô con gái. Ly là con thứ 2 trong gia đình. Hai năm trước, chồng bà qua đời vì căn bệnh suy thận. Một mình bà Bích vừa nuôi con, chăm cháu, vừa gánh khoản tiền nợ hàng trăm triệu đồng mà trước đó đã vay để chữa bệnh cho chồng.
Bé Công đang được vợ chồng người dì út chăm sóc.
Ước mơ của cậu bé bất hạnh

Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Bích, nơi đang cưu mang cháu Công nằm dưới chân một ngọn núi. Ngôi nhà trống huơ trống hoác, chẳng có vật dụng nào giá trị ngoài bộ bàn ghế cũ. Phía dưới bếp, cậu bé Công đang lọ mọ nhặt rau chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình.

Công nhỏ thó, da đen nhẻm, khuôn mặt buồn, khoác trên mình chiếc áo ca-rô đã đứt gần hết cúc. Bữa ăn của cả gia đình Công chỉ vỏn vẹn một bát nước mắm, một đĩa rau muống luộc cùng một tô nước canh (nước dùng luộc rau muống) nhưng Công vẫn ăn một cách ngon lành.
Được biết, sau khi Công tròn một tuổi, người mẹ đã quyết định trốn chạy khỏi nơi đau khổ bằng cách gửi con trai lại nhờ bà ngoại chăm sóc để vào miền Nam làm công nhân, kiếm tiền gửi về nuôi con. Chỉ năm hết Tết đến Ly mới về thăm con một vài tuần rồi lại khăn gói ra đi.

Phải sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, thiếu vắng tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ, Công sống dựa vào sự cưu mang chăm sóc của bà ngoại và vợ chồng người dì út (em ruột Ly). Dù thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng Công luôn tỏ ra là một cậu bé ngoan, siêng năng lại học rất giỏi. Năm nào, Công cũng đạt học sinh giỏi, được thầy yêu, bạn quý. Hết hè năm nay, cậu bé lên lớp 4.

Gia đình khó khăn lại mắc phải căn bệnh gai cột sống nên thời gian gần đây bà Bích phải xa nhà ra Hà Nội làm giúp việc nhà để kiếm tiền điều trị. Ở nhà chỉ còn Công với vợ chồng người dì út. Thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào hai sào ruộng khoán, để có tiền chi tiêu cuộc sống, hàng ngày, Công vẫn theo chân vợ chồng người dì lên rừng hái lá chè vằng (một loại lá dùng để làm nước uống), đem về cắt khúc, phơi khô rồi mang xuống thị trấn bán. Mỗi ngày Công cũng hái được khoảng 1kg với giá 20.000 đồng, đưa tiền cho dì mua thức ăn, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Chị Hồng (dì ruột cháu Công) chia sẻ cuộc sống của cháu trai bất hạnh.
Kẻ đã gây nên tội lỗi cho đứa bé 13 tuổi bị kết án 18 năm tù giam về hành vi “hiếp dâm trẻ em” nhưng được mãn hạn tù sớm chỉ sau 8 năm thi hành án. Ngày ra tù, Trung có ghé qua nhà nạn nhân để thắp nhang cho người anh em “kết nghĩa” xấu số và gặp mặt con trai mình. Từ đó đến nay dù nhà chỉ cách nhau 2km nhưng Trung chưa bao giờ qua thăm con.

“Có lần tôi chở cháu đi học về thì gặp bố cháu Công trên đường nhưng anh ta tỏ ra như người xa lạ, chẳng hề hỏi han lấy một câu chứ chưa nói gì đến trách nhiệm, chăm sóc. Chỉ tội cho cháu tôi, có bố có mẹ mà chẳng khác nào đứa trẻ mồ côi. Mong rằng sau này, cuộc đời nó sẽ tốt đẹp hơn để bù đắp cho những mất mát đang phải gánh chịu", gạt nước mắt, chị Nguyễn Thị Hồng (dì ruột cháu Công) trải lòng.

Còn nhỏ nhưng sớm hiểu chuyện, Công biết phụ giúp gia đình, tự lập khi không có mẹ bên cạnh.

Về phần người mẹ nhí nay đã bước sang tuổi 22, sau gần chục năm trốn chạy, sống khép mình nơi đất khách, Ly đã mở lòng đón nhận tình cảm của một người đàn ông quê ở tận miền Tây khi được anh này đồng cảm, chấp nhận hoàn cảnh. Dịp Tết vừa rồi Ly đã đưa người yêu về thăm quê và gặp con trai riêng.

Nhắc đến ước mơ của mình, Công nhìn lên tấm ảnh của bà ngoại treo ngay ngắn trên tường vô tư chia sẻ:“Cháu ước học thật giỏi, lớn lên trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho bà ngoại. Để bà và mẹ không phải vất vả làm thuê kiếm tiền nuôi cháu nữa".
Theo Afamily

Các tin cũ hơn