Đại án tại VNCB: Chết vì thủ đoạn... "râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Thứ tư, 27/07/2016, 13:30
Sau khi gây ra lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng cho Trust Bank, bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ không vực dậy mà còn đem ngân hàng này đi bán cho ông Phạm Công Danh. “Rước nợ vào thân”, ông Danh lại tiếp tục chiến dịch “rút ruột” Trust Bank để thực hiện thỏa thuận theo hợp đồng đã ký với nhóm Phú Mỹ.

Đem “vỏ ốc” đi bán

Theo điều tra, Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) được hình thành từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Tính đến ngày 31/12/2010 vốn điều lệ nhà băng này đạt 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 19.762 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 302 tỷ đồng.

Nhận thấy Trust Bank đang “ăn nên làm ra”, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Hứa Thị Phấn (Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng, nhờ người đứng tên mua lại 84,92% cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất hòng thâu tóm Trust Bank.

Trust Bank thời của bà Phấn đã rách nhưng đến thời ông Danh thì càng thêm nát

Những tưởng khi lên nắm quyền điều hành Trust Bank, Hứa Thị Phấn sẽ đưa ngân hàng này phát triển mạnh hơn nữa. Nào ngờ, ngay sau khi “xưng vương”, bà Phấn lại sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giúp, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè.

Đáng chú ý nhất, trong lần vay mượn này, những khoảnh đất dùng để thế chấp nếu quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 0,3 – 1 triệu đồng/m2 nhưng lại được Trust Bank định giá lên tới 8 - 32 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 1) có giá trị thực hơn 200 tỷ đồng nhưng được bà Phấn nâng giá khống và bán cho Trust Bank với giá 1.260 tỷ đồng....

Như vậy, sau quá trình đầu tư mạnh để chiếm hữu Trust Bank, bà Hứa Thị Phấn lại áp dụng chiến lược “rút ruột” ngân hàng triển vọng nhất miền Tây này. Dưới thời của bà Phấn, trong vòng vài năm, Ngân hàng Đại Tín rơi vào cảnh thua lỗ rất nghiêm trọng, tỉ lệ nợ xấu gia tăng.

Theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 10/7/2012 thì thực trạng tài chính của Trust Bank rất xấu, vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.031 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của nhà băng này chỉ 3.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2012, trước thời điểm ông Phạm Công Danh tiếp quản thì vốn chủ sở hữu của Trust Bank đã tiếp tục âm tới 5.711 tỷ đồng, lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, bà Hứa Thị Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ đã “móc" đến mức Trust Bank ngày càng suy yếu rồi kiệt quệ. Thế nhưng, khi "chiếc xuồng" mang tên Trust Bank sắp bị chìm, bà Phấn không những không cứu lấy ngân hàng này mà còn tìm cách bán nó cho nhóm Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh nhằm đùn đẩy trách nhiệm.

Không cần đợi tới lúc cơ quan có thẩm quyền cho phép, ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và Thiên Thanh đã thống nhất, ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92% cổ phần của Trust Bank và các tài sản liên quan với giá 4.619,61 tỷ đồng. Theo đó, ông Phạm Công Danh có trách nhiệm trả nợ khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng của nhóm bà Hứa Thị Phấn làm đại diện và nhiều khoản tiền khác được bà Hứa Thị Phấn rút của Trust Bank trước đó.

Cũng như bà Phấn, ông Danh thâu tóm Trust Bank không ngoài mục đích lấy tiền để lấp vào những khoản nợ khác

Ông Phạm Công Danh “gãy gánh giữa đường”

Sau khi “rước nợ vào thân”, không còn cách nào khác, ông Phạm Công Danh buộc phải tiếp tục rút tiền từ Trust Bank nhằm trả tiền cho nhóm Phú Mỹ theo hợp đồng đã ký.

Theo những chứng cứ mà Luật sư Hà Hải (một trong những người tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh) thu thập được thì từ ngày 28/12/2012 đến ngày 29/6/2013 ông Phạm Công Danh đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn số tiền hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ gốc là hơn 3.500 tỷ đồng và tiền nợ lãi là gần 77 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhóm bà Hứa Thị Phấn đã cố ý không bàn giao 24,56 ha đất dự án Nhà Bè, 9 ha đất quận 2, TPHCM cho nhóm Thiên Thanh mà lại đồng ý ủy quyền cho VNCB được toàn quyền xử lý tài sản. Không chỉ thế, bà Phấn và nhóm Phú Mỹ còn cố ý không thực hiện cam kết thu hồi các khoản nợ gần 10.000 tỷ đồng của nhóm Phương Trang phát sinh từ trước năm 2012 khi ông Hoàng Văn Toàn và nhóm Phú Mỹ quản lý điều hành Trust Bank.

Luật sư Hà Hải nhận định rằng, những việc làm như vậy của bà Hứa Thị Phấn đã gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho ông Phạm Công Danh trong quá trình cơ cấu lại Trust Bank. “Nhóm bà Hứa Thị Phấn không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi chuyển nhượng cổ phần cho ông Phạm Công Danh", Luật sư Hà Hải khẳng định.

Hành vi tương tự gây ra cho Trust Bank nhưng hiện chỉ mình ông chủ tập đoàn Thiên Thanh ngã ngựa

Như vậy, kế hoạch bứt "râu ông nọ cắm cằm bà kia” của ông Phạm Công Danh đã bất thành. Điều này thể hiện rõ nhất khi ông Phạm Công Danh “tích cực” bòn rút Trust Bank để có tiền trả nợ cho nhóm bà Phấn. Trong đó “nữ đại gia” Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ lại tìm cách né tránh trách nhiệm, không bàn giao lại một số tài sản quan trọng cho ông Danh như hợp đồng đã ký.

Đây là tình tiết quan trọng để Luật sư Hà Hải và các cộng sự của ông tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh đưa ra kiến nghị TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đồng thời, các luật sư cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao điều tra làm rõ những sai phạm của nhóm bà Hứa Thị Phấn và những người đã gây thiệt hại cho Trust Bank để xử lý trong vụ án ông Phạm Công Danh nhằm không để lọt tội phạm, bảo đảm công bằng trước pháp luật và giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn