Vào 23/12/2015, TAND TP.HCM xét xử phiên sơ thẩm các bị cáo: Phạm Sỹ Hoài Như (36 tuổi, ngụ TP.HCM), Nguyễn Mạnh Chung (25 tuổi, ngụ Quảng Ngãi), Phạm Thanh Kim Hạnh (19 tuổi, ngụ Đắk Nông), Ngô Thành Vương (20 tuổi, Hải Dương), Trần Đức Vững (20 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) về tội Cố tình gây thương tích.
Phiên tòa sau đó đã bị hoãn, luật sư đại diện cho gia đình bị hại yêu cầu giám định lại nguyên nhân cái chết của anh Chín và chuyển tội danh từ Cố ý gây thương tích thành Giết người.
Người nhà bị hại cũng yêu cầu được bồi thường 3,37 tỷ đồng phí mai táng, tổn thất tinh thần. Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX đã cho hoãn phiên tòa, điều tra bổ sung thêm một số tình tiết mới.
Sau nhiều tháng bổ sung các tình tiết mới, VKSND TP.HCM đã chuyển cáo trạng cho TAND cùng cấp.
Ngày 28/8, TAND TP.HCM vừa trả hồ sơ vụ án CSTG gọi côn đồ đánh chết người lại cho VKSND TP.HCM.
Theo cơ quan này, VKS đã giữ nguyên tội danh Cố ý gây thương tích đối với các bị cáo nói trên.
TAND TP.HCM đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bị hại (lúc xảy ra vụ việc bị hại đang trong tình trạng say xỉn), Cùng với đó làm rõ lời khai của các bị cáo nói trên.
Hoài Như cho rằng không gọi 4 bị cáo còn lại tới đánh ai cả, mà chỉ muốn nhờ đưa bị hại đang say xỉn về nhà. Ngược lại, 4 bị cáo này khai được Như gọi điện tới nhờ đánh người để ‘dằn mặt’.
Việc làm rõ nguyên nhân cái chết sẽ có ảnh hưởng lớn đến quyết định chuyển đội tội danh từ Cố ý gây thương tích sang tội danh Giết người giống như gia đình bị hại yêu cầu. Từ đó là rõ hơn bản chất sự việc, giải đáp thắc mắc của những người liên quan và dư luận về vụ án nói trên.
TAND TP.HCM yêu cầu làm rõ việc có hay không Hoài Như gọi côn đồ đánh người đến chết. Ảnh H.Đ. |
Theo nội dung vụ án, khoảng 22h ngày 25/6/2014, đội cảnh sát giao thông Công an quận Tân Bình do Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng lập chốt kiểm tra tại đài tưởng niệm liệt sĩ, giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Đến khoảng 22h20 cùng ngày, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Chín về lỗi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt mức cho phép. Tổ công tác lập biên bản tạm giữ xe của người này nhưng ông Chín không ký tên vào biên bản mà cự cãi lại. Phạm Sỹ Hoài Như tới giải thích và đề nghị ông Chín chấp hành nhưng ông Chín tiếp tục la lối, lớn tiếng chửi lại.
Lúc 22h50, Phạm Sỹ Hoài Như điện thoại cho Nguyễn Minh Chung (người có tiền án về tội Cướp giật tài sản, vừa ra tù không lâu) "nhờ Chung giúp đỡ". Khi nhận được điện thoại của Như, Chung đang đi trên đường nên điện thoại cho Phạm Thanh Kim Hạnh và Trần Ðức Vững nhờ tới địa điểm Như yêu cầu.
Hạnh, Vững liền rủ thêm Ngô Thành Vương, tất cả cùng tới giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh chờ xem Như nhờ việc gì. Tại khu vực giao lộ này, lúc 23h19, Chung gọi điện cho Như để hỏi Như nhờ việc gì, rồi cả hai gặp mặt nhau. Qua trao đổi, Như “nhờ” Chung đánh “dằn mặt” ông Chín.
Nhận diện được ông Chín, Chung lại gần nơi ông Chín đứng, nói với ông này đã say xỉn, vi phạm giao thông mà còn cự cãi lại, coi chừng bị giam xe luôn. Chung đề nghị ông Chín đi ra ngoài để Chung tìm cách lấy xe giúp.
Ông Chín đi theo Chung ra ngoài khu vực tổ công tác đang làm việc, đi về phía gần nhà sách Nhân Văn, nơi có một con hẻm vắng người mà nhóm Hạnh, Vương, Vững đang đứng chờ sẵn.
Ông Chín vừa tới đầu hẻm 598 Trường Chinh, Chung ra hiệu cả nhóm lao vào tấn công cho đến lúc người dân tới can ngăn thì cả nhóm mới bỏ đi. Lúc 23h30, Chung gọi điện báo cho Như biết là đã đánh ông Chín xong, rồi đi về.
Rạng sáng 26/6/2014, ông Lê Trường Giang - một thành viên của tổ cảnh sát giao thông Công an quận Tân Bình - phát hiện ông Chín đang ngồi trên lề đường Trường Chinh nên gọi một xe taxi, yêu cầu tài xế đưa ông này về nhà.
Trên đường đi, ông Chín kêu đau, nói taxi đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Ông Chín được cấp cứu trong bệnh viện, tới 4h5 ngày 27/6 thì tử vong. Kết quả giám định pháp y xác định ông Chín chết là do “chấn thương bụng kín gây vỡ ruột non - suy hô hấp do sặc chất chứa trong dạ dày”.
Theo Zing