Có thâm niên gần 10 năm chạy xe ôm, ông Nguyễn Mạnh H (54 tuổi, quê Nam Định) đã trải qua nhiều tình huống “chết hụt”. Ông bảo nghề nào cũng có cái thú của nó, nghề xe ôm cũng vậy kết giao được nhiều bạn bè, được đi nhiều nơi đã vậy còn kiếm được tiền nuôi sống gia đình.
Thế nhưng khi đã bước qua nửa con dốc của đời người, ông kết luận một điều “Không có nghề nào lại tồn tại nhiều nguy hiểm như chính nghề mình đang mưu sinh”.
Ông kể: “Cách đây 2 năm, lúc đấy khoảng hơn 3h sáng, đang ngồi đón khách trước cổng bến xe Nước Ngầm, tôi thấy một gã đội mũ lưỡi trai che khuất mặt tìm đến và ngỏ ý muốn thuê chở về Hà Đông. Sau một hồi ngã giá, dù có chút nghi ngờ nhưng vì cả đêm không kiếm được mối nào nên đành tặc lưỡi chấp nhận.
Khi đến khu vực Nguyễn Xiển, không một bóng người, tôi bắt đầu thấy tim mình đập mạnh hơn. Bất chợt gã thanh niên mượn điện thoại tôi để gọi cho người nhà hỏi địa chỉ. Nghe xong điện thoại, anh ta bảo chở ngược lại hồ Linh Đàm vì có người nhờ mang ít đồ và hứa sẽ trả tôi thêm tiền.
Thấy con đường tối om, tôi không đồng ý mà xin tiền để về nhưng anh ta không đưa mà buộc tôi phải tiếp tục chạy. Khi vừa dừng xe ở cuối hẻm, anh ta kẹp cổ và dùng dao uy hiếp tôi. Đường tối, vắng người, biết rằng nếu truy hô sẽ bị đối tượng lấy mạng nên tôi đành cắn răng đưa chìa khóa và số tiền ít ỏi trong túi.
Khi tên cướp bỏ đi, tôi vẫy xe về nhà nhưng vì không có ai qua lại nên tôi đành phải đi bộ để về nhà. Đến tận bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn rùng mình, nếu lúc đó truy hô chắc giờ tôi đã "xanh cỏ" rồi”.
Ảnh minh họa |
Từ ngày "nối nghiệp” cha mình, anh Trương Văn T (35 tuổi, quê Thanh Hóa) mới thấm thía hết những khó khăn mà cha đã trải qua khi phải bươn chải ngoài đường cả ngày...
“Có lần, lúc 23 giờ khách yêu cầu chở từ bến xe Nước Ngầm về phố Lĩnh Nam, tôi hơi khựng lại vì đoạn đường này vắng nhưng rồi vẫn quyết định chở. Được nửa đoạn đường, khách yêu cầu dừng xe rồi bất ngờ rút ra một con dao nhỏ và nói: “Anh cho em “mượn” ít tiền. Em thiếu thuốc mấy ngày nay”.
Tôi tá hỏa vì biết mình gặp phải kẻ nghiện nhưng nhanh chóng trấn tĩnh. Tôi rút ví đưa cho hắn rồi nhanh chóng ...chuồn thẳng. Ngẫm lại, tôi cũng còn may vì chưa bị cướp xe hay ảnh hưởng đến tính mạng”, anh T kể lại.
May mắn hơn 2 trường hợp trên, anh Võ Văn C (quê Hà Nam) lại có được một người bạn từ cuốc xe định mệnh.
Anh C kể: “Hôm đấy tôi đón được 1 khách muốn đi từ Hà Nội về tận Ba Vì. Tôi nghĩ thầm đường về Ba Vì khá xa, trời lại tối, khách là 1 nam thanh niên tuổi ngoài 30, trên mình có vài vết xăm trổ, chắc là dân lao động buôn bán xa nhà nên tôi cũng sợ.
Nhưng vì nghĩ đến ngày mai có thêm đồng mua sữa cho con nên đành bấm bụng làm liều. Đi đến 1 ngã rẽ thì bất thình lình ông khách rút dao ra dí vào lưng và dọa: “Có tiền đưa hết đây, không tao giết”.
Sợ xanh mặt nhưng nghĩ chả còn cách nào tôi đành trấn tĩnh, bảo: “Mày đâm bố mày đi, bố mày cũng sẽ lao ngay xuống núi luôn, đã chết thì tao với mày chết chung”.
Thằng cướp nghe thấy thế cũng hoảng. Nó không dám làm gì nữa, ngồi im trên xe. Tôi dần lấy lại bình tĩnh, rồ ga chạy thật nhanh vào khu làng có ánh điện. Trông thấy một quán ăn đêm, tôi cho xe ghé vào và mời “thằng cướp” một chén rượu.
Vị khách im bặt, ngại ngùng không dám mở lời nhưng tôi cười xòa xóa tan không khí nặng nề. Lân la hỏi mới biết vị khách ấy mới đi tù về năm kia. Công ăn việc làm không có, vợ mất sớm để lại cho anh 2 đứa con thơ, lúc bà nội còn sống thì bà nội nuôi nhưng bà mới mất gần đây khiến anh ta rơi vào cảnh gà trống nuôi 2 con. Hôm kia đứa lớn nó lăn ra ốm, nó bị bệnh đường ruột phải ra viện tỉnh, không có tiền nên bần cùng quá nên hắn phải làm liều đi ăn cướp.
Rồi chúng tôi làm bạn của nhau, vị khách đó cũng được tôi “dụ dỗ” nên giờ cũng chuyển sang nghề xe ôm rồi” - anh C kể.
Theo Vietnamnet