Người tình mê game
Khoảng 23h30 ngày 20/8/2016, Bạch Thị Thảo Nguyên (SN 1984, ngụ thôn 4, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) đã vung dao gây ra cái chết cho người tình trẻ là Nguyễn Quốc Quang (SN 1992, ngụ cùng địa phương).
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 20h ngày 20/8, Nguyên cùng đám bạn tổ chức đi nhậu và hát karaoke. Đến khoảng 23h cùng ngày, Nguyên gọi điện thoại cho người yêu nhiều lần không được.
Qua người thân, Nguyên biết Quang đang chơi điện tử tại một quán internet ở thôn Phước Lộc 1, xã Ea Phê nên chạy xe máy đến quán gọi người yêu về.
Khi đến sân bóng chuyền thôn Phước Lộc 1, hai người xảy ra mâu thuẫn. Nguyên cắn vào tay trái của Quang và bị người yêu tát hai cái vào mặt. Sẵn hơi men trong người, Nguyên đã rút dao Thái thủ sẵn trong túi quần vung trúng bụng người tình trẻ, khiến anh này gục tại chỗ.
Sau khi gây án, Nguyên hô hoán rồi cùng mọi người đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, anh Quang đã tử vong trước đó. Hiện Nguyên đã được đưa về Công an tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo ông Trần Văn Hương, Phó công an xã Ea Phê, cả nạn nhân và nghi phạm trong vụ án đều chưa có tiền án tiền sự tại địa Quang. Thường ngày, Quang bán quán nhậu, còn Nguyên bán đồ dùng học sinh.
Trao đổi với PV về vụ trọng án, Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng PC45 - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tại cơ quan điều tra, Nguyên khai nhận do gọi điện hoài không được nên đã đến quán internet tìm Quang. Sau khi kéo nhau ra sân bóng chuyền, Nguyên bị Quang tát hai cái vào mặt nên tức giận, lấy dao trong cốp xe máy đâm khiến nạn nhân thiệt mạng”.
Ngồi thẫn thờ giữa đám tang con trai, cha nạn nhân (SN 1954) kể, tối 20/8, ông sang nhà hàng xóm chơi về thì thấy Quang đang nằm nghe điện thoại trên võng. Lúc đó, Quang vừa nói vừa cười rất vui vẻ. Một lúc sau, Quang xin phép lấy xe máy đi chơi một chút. Thấy còn sớm, người cha gật đầu.
Sau khi rời khỏi nhà, Quang gặp Nguyên và cùng nhau đi ăn phở, uống bia ở một quán gần nhà. Đến gần khuya, Quang ghé vào chơi game ở tiệm internet gần đó, còn Nguyên trở về nhà.
Khoảng 23h, Nguyên gọi điện cho Quang nhiều cuộc nhưng chàng trai không bắt máy. Một lát sau, Nguyên lại gọi cho anh trai người yêu để hỏi thăm tin tức. Trả lời điện thoại, người anh cho biết Quang đang ngồi chơi với mình tại tiệm internet.
Bực tức vì Quang không nghe điện thoại mình, Nguyên chạy tới quán gọi người yêu ra hỏi chuyện và nằng nặc đòi chàng trai phải về nhà. Mâu thuẫn từ đó xảy ra.
Bạch Thị Thảo Nguyên tại cơ quan công an. |
“Trai tơ” lại yêu “nạ dòng”
Cũng theo lời cha nạn nhân, nhà Nguyên cách nhà ông chưa tới 1km. Hai gia đình chẳng lạ gì hoàn cảnh của nhau. Trước đây, người phụ nữ này đã có chồng và hai con nhỏ tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk. Sau khi vợ chồng “đường ai nấy đi” cách đây hơn ba năm, Nguyên đưa hai con về sống tại xã Ea Phê.
Khoảng hai năm trở lại đây, thấy Nguyên thường hay lui tới nhà mình chơi và nói cười, trêu đùa với Quang rất thân mật, người cha gặng hỏi con trai thì được trả lời, hai người chỉ là bạn bè bình thường. Dù vậy, không ít lần người cha nghe được những lời xì xào của hàng xóm về mối quan hệ giữa con trai và Nguyên, nên tỏ ra khó chịu.
Theo ông, Quang là “trai tơ”, từ nhỏ đến lớn chưa có mảnh tình vắt vai, nay xóm giềng lại xì xào có tình cảm với “nạ dòng”. Ông không bằng lòng, nhiều lần lựa lời nhắc khéo con trai. “Cô ấy hơn con tôi tới 8 tuổi, đã có một đời chồng, có con riêng nên tôi nhất quyết phản đối tình cảm của hai người.
Dù không nói ra nhưng tôi biết Quang rất được quan tâm. Nguyên chiều chuộng con tôi, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ về vật chất mỗi khi Quang gặp khó khăn”, cha nạn nhân chia sẻ.
Ông này tiết lộ thêm, khoảng 10 ngày trước khi xảy ra án mạng, Quang có nói với mẹ về việc Nguyên nhiều lần dọa đâm mình. Tuy nhiên, người mẹ không nói chuyện này với ai để có biện pháp đề phòng.
Người cha thở dài: “Khi con chết, vợ tôi mới kể hết mọi chuyện. Giá như bà ấy nói sớm hơn có thể mọi chuyện đã khác. Nếu biết, tôi sẽ gặp gia đình cô ấy để nói chuyện cho rõ ràng, tránh chuyện xấu xảy đến với con trai. Thế nhưng, giờ mọi chuyện đã quá muộn màng”.
Ông tâm sự, gia đình gốc tỉnh Quảng Nam. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cả nhà dắt díu nhau lên Đắk Lắk lập nghiệp. Tại vùng đất mới, cha mẹ nạn nhân làm thuê làm mướn đủ nghề để mưu sinh. Sau một thời gian tảo tần, tích cóp, cũng mua được một mảnh vườn nhỏ để dựng căn nhà che mưa che nắng.
Về sau, cha nạn nhân chuyển sang buôn bán máy tuốt lúa. Nhờ công việc thuận chèo mát mái, kinh tế nhanh chóng trở nên khá giả. Nhưng từ khi người cha lâm bệnh nằm viện điều trị hơn một năm ròng, kinh tế gia đình kiệt quệ dần. Bao nhiêu tài sản đều lần lượt “đội nón ra đi”.
Ngay cả căn nhà, mảnh vườn trị giá gần một tỷ cũng phải thế chấp ngân hàng nhưng không trả được nợ. Sau đó, nhà nạn nhân bị ngân hàng kê biên, bán đấu giá.
Khi người cha thoát khỏi “cửa tử”, cũng là khi gia đình không nhà, không ruộng đất, được UBND xã Ea Phê cho mướn một mảnh đất nhỏ để dựng tạm căn lều làm nơi che nắng che mưa. Thường ngày, mẹ nạn nhân ra chợ bán bánh mì, người cha kiếm việc làm thêm rày đây mai đó.
Thi thoảng rảnh rỗi, họ lại xin xóm giềng và chính quyền những mảnh đất bỏ hoang trong địa phương để tỉa ngô, trồng đậu, kiếm thêm thu nhập.
Cha nạn nhân ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi có 11 đứa con, Quang là con thứ 9. Cuộc đời tôi “lên voi xuống chó” chỉ vì bệnh tật. Ngày trước, các con còn nhỏ, tôi bôn ba làm đủ thứ nghề, có lúc đã thành công, kinh tế chẳng thua kém ai.
Thế nhưng, chỉ vì bệnh mà tôi lại tay trắng. Hy vọng duy nhất của tôi là được thấy các con ai cũng nên người, yên bề gia thất. Vậy mà đứa con ngoan hiền nhất của tôi đã bị người ta nhẫn tâm sát hại”.
Theo PLVN