Tháng 4/2006, Trần Văn Liêm được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Vinashinlines. Một năm sau, Liêm tiếp nhận Giang Kim Đạt vào công tác tại phòng khai thác 2. Ba tháng sau, Đạt được Liêm bổ nhiệm chức quyền Trưởng phòng kinh doanh và quan hệ quốc tế. Ngày 14/10/2006, Đạt được bổ nhiệm chức quyền Trưởng phòng kinh doanh.
Tháng 10/2007, Vinashinlines chấm dứt hợp đồng lao động với Đạt, để rồi 5 tháng sau tiếp nhận Đạt trở lại với cương vị cố vấn cao cấp cho Tổng giám đốc.
Giang Kim Đạt |
Sau lần thứ hai chấm dứt hợp đồng lao động với Đạt vào tháng 4/2008, một tháng sau Đạt được Vinashinlines tiếp nhận trở lại và được bổ nhiệm làm quyền Trưởng phòng kinh doanh.
Đến ngày 20/6/2008, Vinashinlines thêm một lần nữa chấm dứt hợp đồng lao động đối với Đạt.
Phòng kinh doanh mà Đạt giữ chức quyền Trưởng phòng được Liêm giao trực tiếp đàm phán, thỏa thuận các điều kiện, điều khoản của hợp đồng mua tàu và hợp đồng thuê tàu biển. Liêm đã thống nhất với Đạt trong việc tìm kiếm, giao dịch, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty môi giới để yêu cầu trích lại "hoa hồng" trên tổng giá trị hợp đồng.
Mỗi khi đàm phán, thỏa thuận xong các hợp đồng mua và cho thuê tàu, Đạt đều báo cáo Liêm giá mua, cho thuê tàu và số tiền "hoa hồng", tiền gửi giá cước là bao nhiêu đối với từng hợp đồng để Liêm quyết định.
Cơ quan điều tra xác định, Liêm đã ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix. Tổng số tiền hoa hồng của 3 hợp đồng này là hơn 11 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2006 đến 6/2008, các bị can đã thông qua các công ty môi giới để thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê đối với 9 con tàu nhằm chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng.
Sau khi Liêm ký kết hợp đồng mua và cho thuê tàu nói trên, Trần Văn Khương là kế toán trưởng của Vinashinlines có trách nhiệm làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền cho các công ty bán tàu, làm thủ tục quyết toán vốn đầu tư dự án mua tàu hoàn thành với Vinashin...
"Bộ mặt cáo"
Ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Liêm, Đạt tỏ ra "khôn lỏi" khi tự nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi giá mà không hề báo cáo Liêm. Số tiền này cá nhân Đạt hưởng.
Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền Đạt thỏa thuận chiếm hưởng thông qua việc thực hiện các hợp đồng mua và cho thuê tàu mà các đối tác của Vinashinlines gửi vào tài khoản của bố đẻ Đạt là hơn 260 tỷ đồng. Sau khi chi lại cho sếp Liêm hơn 3,1 tỷ, Đạt đút túi hơn 255 tỷ.
Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm (áo màu sáng) tại phiên tòa vào năm 2012. |
Trong khi "qua mặt" Liêm đút túi hơn 255 tỷ đồng, để lấy lòng Liêm, Đạt đã bỏ tiền mua tặng vợ sếp xe ôtô Merceders và giúp Liêm tìm mua bất động sản.
Về phần mình, số tiền hơn 255 tỷ đồng tham ô được, Đạt dùng để mua bất động sản tại Việt Nam và nước ngoài, phần còn lại chi tiêu cá nhân. Cơ quan điều tra cũng đã xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản, tiến hành phong tỏa và kê biên 40 bất động sản của Đạt ở trong nước gồm biệt thự, nhà ở, đất ở.
Cũng theo cơ quan điều tra, Đạt đã đầu tư mua bất động sản tại Singapore, đặt cọc để mua và thuê 2 căn hộ chung cư tại Vương quốc Anh.
Cơ quan điều tra đã có văn bản ủy thác tư pháp hình sự và ủy thác cho Cơ quan Tổng chưởng lý nước Cộng hòa Singapore, Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đề nghị phong tỏa, thu hồi số tiền này.
Ôm hàng trăm tỷ đồng, khi bị phát hiện phạm tội, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn sang Campuchia và Singapore, đến ngày 7/7/2015 thì bị bắt.
Theo Vietnamnet