|
Ngày 16/1, tranh luận về quan điểm phía bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Pháp) và ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát), đại diện VKSND Cấp cao nhận định, việc chuyển tiền từ bà Bích sang ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng - VNCB) là có sự đồng ý của chủ tài khoản.
Theo Viện, bà Bích thế chấp các sổ tiết kiệm để vay tiền VNCB thực chất là giao dịch giả tạo, nhằm giúp bị cáo Danh rút tiền. Đây là nguyên nhân khiến VNCB thiệt hại số tiền 5.190 tỷ đồng. Kết luận này căn cứ vào nội dung sử dụng vay vốn không phải là ý chí của người vay tiền.
"Thực tế, người vay không sử dụng vốn vay. Tiền vay từ VNCB dù giao cho Danh sử dụng nhưng biên bản vẫn thể hiện 'sử dụng đúng mục đích'. Các khách hàng (người đứng tên sổ tiết kiệm) đều xác định việc chuyển tiền vay trước, ủy nhiệm chi sau", VKS nói và cho biết những căn cứ này có trong hồ sơ vụ án, bác bỏ quan điểm của bà Bích là "vay vốn để kinh doanh".
Đối với quan hệ vay mượn tiền giữa Cựu chủ tịch VNCB và ông Thanh, VKS xác định nó tồn tại trong thời gian dài. Trong đó, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hồ sơ vay giả tạo để lấy tiền từ VNCB chi trả cho cá nhân.
Từ đó, công tố viên tiếp tục đề nghị HĐXX và cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự của cha con ông Thanh với vai trò giúp sức cho ông Danh.
Về dấu hiện của hành vi trốn thuế bị đề nghị truy cứu, đại diện VKS nói: "Quá trình xét hỏi tại tòa có cơ sở xác định bà Bích, ông Thanh nhận một khoản tiền từ Phạm Thị Trang (người huy động tiền giúp ông Danh). Căn cứ vào quy định pháp luật về thu nhập cá nhân, đề nghị của VKS là có căn cứ. Tuy nhiên, việc có nhận tiền lãi hay không, trong quá trình điều tra sẽ làm rõ và kết luận".
Về kháng cáo của bà Quách Kim Chi (vợ ông Danh) yêu cầu giải tỏa kê biên một số tài sản chung của vợ chồng, VKS cho rằng, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiệm bồi hoàn lại những thiệt hại gây ra, tòa sơ thẩm tuyên buộc kê biên những tài sản này là đúng pháp luật.
Ngoài ra, công tố viên cũng khẳng định có đủ dấu hiệu chứng minh hành vi sai phạm của bà Hứa Thị Phấn và những người trong Hội đồng tín dụng nên việc khởi tố vụ án của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ và đúng thẩm quyền. Các khoản tiền ông Danh trả cho bà Phấn là tiền rút từ hành vi phạm tội nên cần thu hồi.
Bị cáo buộc cùng cấp dưới thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong thời gian tái cơ cấu VNCB gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng, ông Danh bị TAND TP.HCM tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Liên quan đến hành vi của ông Danh, hàng loạt cấp dưới và nhân viên của ông cũng phải lĩnh án.
Ngoài ra, có hàng chục người có quyền và nghĩa vụ liên quan bị triệu tập đến tòa. Trong đó, cựu Chủ tịch Trustbank khác (sau bà Phấn) là ông Hoàng Văn Toàn và 8 người khác vừa bị bắt. Còn cha con doanh nhân Trần Quý Thanh bị đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự.
Dự kiến phiên xử phúc thẩm ông Danh sẽ kết thúc vào ngày 25/1.
Theo VNE