Theo đó, Vương Mân phải nhận các mức án sau: tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản về tội nhận hối lộ; 4 năm tù giam và phạt 300 ngàn NDT về tội tham ô; 7 năm tù giam về tội lơ là trách nhiệm; tổng hợp các tội danh, Vương Mân bị nhận mức án chung thân, tước quyền chính trị suốt đời và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Vương Mân nghe tuyên án. |
Bản kết tội cho rằng, qua quá trình xét xử đã làm rõ, bị cáo trong thời gian từ 2004 đến 2016 đảm nhiệm các chức vụ: tỉnh trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cát Lâm và Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Liêu Ninh, đã lợi dụng tiện lợi chức vụ và ảnh hưởng do chức quyền, địa vị của bản thân để giúp người khác mưu lợi không chính đáng trong hoạt động kinh doanh, điều chỉnh chức vụ rồi trực tiếp hoặc thông qua người khác nhận hối lộ của các đơn vị và cá nhân tổng số tới 146 triệu NDT (481,8 tỷ VND).
Ngoài ra, trong thời gian là Bí thư Cát Lâm, Vương Mân đã lợi dụng chức vụ tham ô 1 triệu NDT tiền công; trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng trù bị kỳ họp thứ nhất khóa 12 HĐND tỉnh Liêu Ninh khóa 12, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch thường trực Đoàn chủ tịch đại hội đã vi phạm các quy định, không thực hiện hoặc lơ là trách nhiệm dẫn đến việc để xảy ra hiện tượng mua phiếu, hối lộ giành phiếu bầu trong các cuộc bầu cử tỉnh ủy năm 2011, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 123 năm 2013 và bầu cử ban thường vụ HĐND tỉnh Liêu Ninh, gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự bầu cử và chế độ bầu cử Quốc hội – HĐND, gây tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia và nhân dân.
Tòa cho rằng, hành vi của Vương Mân đã cấu thành tội nhận hối lộ, tham nhũngvà lơ là trách nhiệm, đáng phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy bị cáo đã tích cực nhận tội, hối tội và trả lại tang vật, có thể xem xét xử nhẹ, nhưng tội lơ là trách nhiệm đã gây tổn hại rất lớn đến lợi ích của đất nước và nhân dân, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị, nên tòa đã quyết định đưa ra mức án trên.
Vương Mân khi còn đương chức. |
Vương Mân sinh năm 1950, người An Huy, tham gia công tác năm 1968, vào đảng năm 1985, Tiến sĩ chuyên ngành chế tạo máy, Giáo sư, Phó giám đốc Học viện Hàng không Nam Kinh.
Tháng 7/1994, Vương Mân tham gia chính trường với chức vụ Trợ lý tỉnh trưởng Giang Tô. Tuy bước vào quan trường muộn, nhưng Mân thăng tiến rất nhanh, lần lượt là Phó tỉnh trưởng Giang Tô, Bí thư thành ủy Tô Châu; năm 2002 vào Ban thường vụ tỉnh ủy Giang Tô; 2 năm sau được điều chuyển làm Phó bí thư tỉnh ủy Cát Lâm, mấy tháng sau là Quyền tỉnh trưởng; tháng 1/2005 là Tỉnh trưởng, 2 năm sau đã là Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm. Tháng 11/2009, Trung ương quyết định bổ nhiệm Vương Mân làm Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh (2013).
Tháng 7/2015, Ủy ban thường vụ quốc hội đã họp, bầu Vương Mân là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, giáo dục, văn hóa và y tế quốc hội. Ngày 4/3/2016, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) tuyên bố điều tra Vương Mân vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; cùng ngày vợ Mân là Trương Tĩnh cũng bị dẫn giải từ Thấm Dương về Bắc Kinh để điều tra. Sau đó, Mân bị bãi bỏ các chức đại biểu quốc hội và Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, giáo dục, văn hóa và y tế quốc hội.
Tháng 8/2016, UBKTKLTW công bố kết quả điều tra, kết luận Mân có dấu hiệu phạm tội, quyết định khai trừ đảng tịch, khai trừ công chức, tịch thu thu nhập trái phép và chuyển vấn đề phạm tội, tang vật và manh mối phạm tội sang cơ quan tư pháp xử lý.
Ngày 21/7/2017, Tòa án Lạc Dương đã mở phiên tòa xét xử Vương Mân về 3 tội nêu trên. Sau khi tòa tuyên án, Mân đã bày tỏ phục tùng, không kháng cáo.
Theo Vietnamnet