Vụ VN Pharma: Xử lý tội buôn lậu là sai luật

Thứ ba, 29/08/2017, 09:02
Hai vấn đề mấu chốt cần xác định lại là tang vật của vụ án là thuốc giả và hành vi của các bị cáo phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Sau phiên tòa sơ thẩm vụ án tại Công ty CP VN Pharma, vấn đề các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các bị cáo đúng tội danh hay chưa vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM có bài phân tích liên quan vụ án.

Đây là thuốc giả

Theo tôi, tang vật trong vụ này gồm 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc điều trị ung thư) do Công ty VN Pharma nhập lậu là thuốc giả chứ không phải thuốc kém chất lượng.

Bởi vì các hành vi nhập khẩu số thuốc nói trên thực hiện vào các năm 2013-2014 nên phải dựa vào quy định của Luật Dược 2005 (chứ không phải Luật Dược 2016). Theo đó, tại các khoản 22, 23, 24 Điều 2 Luật Dược 2005 quy định thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Còn thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp: Không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.

Theo cáo trạng, lô thuốc H-Capita 500 mg là không rõ nguồn gốc. Trên các thùng hàng này có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ, tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào.

Ngoài ra, còn nhiều hồ sơ khác bị làm giả như giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới; giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (do Bộ Y tế Canada cấp); con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… Bộ Ngoại giao cũng có công văn trả lời A83 (Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an) cho biết không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc tại địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario, Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược.

Cơ quan điều tra từng khẳng định lô thuốc này không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết luận giám định số 31 của Hội đồng giám định của Bộ Y tế chỉ rõ lô thuốc chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Một số ý kiến của luật sư bào chữa cho các bị cáo tại tòa cho rằng đây là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Thế nhưng theo tôi, từ quy định về thuốc kém chất lượng nêu trên cho thấy lập luận này không đúng. Và như đã phân tích ở trên thì thấy rằng không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc, tồn tại ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario, Canada để sản xuất 9.300 hộp thuốc H-Capita. Do đó, không thể kết luận đây là thuốc kém chất lượng mà chỉ có thể coi là thuốc giả.

Cũng có thể có quan điểm cho rằng hành vi nhập thuốc trong vụ án này chỉ giả nhãn hiệu nhưng hàm lượng chất chính (hoạt chất capecitabine) vẫn đạt được. Do đó đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171 BLHS 1999). Quan điểm này cũng bị loại trừ vì chỉ có thể giả nhãn hiệu của một cơ sở sản xuất có thực chứ không thể xâm phạm nhãn hiệu của một cơ sở không có thực.

Với các lập luận nêu trên, có thể kết luận 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư do Công ty VN Pharma nhập lậu trong vụ án là thuốc giả.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa.

Tội buôn bán hàng giả là thuốc mới đúng

Về mặt xác định tội danh, trong vụ án này, các bị cáo đã nhập lậu 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư là thuốc giả là hành vi xâm phạm các khách thể khác nhau và có dấu hiệu của cả hai tội. Đó là tội buôn lậu (Điều 153 BLHS 1999), xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước và tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS 1999), xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh.

Về mặt lý luận, trường hợp hành vi phạm tội xâm phạm nhiều khách thể trực tiếp thì chúng ta phải lựa chọn khách thể trực tiếp để định tội là khách thể nào thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là định tội danh theo khách thể của tội phạm.

Ví dụ, hành vi gây rối và đánh chết người tại nơi công cộng thì xử lý về tội Giết người (xâm phạm tính mạng con người) chứ không xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng (xâm phạm trật tự công cộng). Vì lựa chọn khách thể là tính mạng con người mới thể hiện đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội hơn là trật tự công cộng.

Vì thế theo tôi, vụ án này các cơ quan tố tụng phải khởi tố, truy tố và xét xử các bị cáo về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mới đúng. Bởi vì hành vi này xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với thuốc chữa bệnh, thể hiện bản chất nguy hiểm cho xã hội hơn là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước. Tính nguy hiểm đó được nhà làm luật thể hiện ở chỗ tội buôn lậu có mức cao nhất là chung thân nhưng tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có mức cao nhất là tử hình.

Có một thực tế là tuy các cơ quan tố tụng xử lý không đúng tội danh như đã phân tích nêu trên nhưng nếu xử về tội Buôn lậu thì khung hình phạt áp dụng cao hơn tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, nếu xử lý về tội Buôn lậu thì với số hàng lậu trị giá khoảng 5 tỷ đồng sẽ rơi vào khoản 4 Điều 153 (có khung hình phạt là tù 12-20 năm, chung thân). Còn nếu xử lý về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thì chỉ rơi vào khoản 2 Điều 157 (với tình tiết định khung là có tổ chức), có khung hình phạt là tù 5-12 năm. Lý do là hành vi phạm tội đã bị ngăn chặn (chưa đưa thuốc ra thị trường) nên chưa gây ra hậu quả. Do đó, mức án tối đa đối với bị cáo nguy hiểm nhất nếu xử lý về tội Buôn bán thuốc chữa bệnh giả cũng chỉ tối đa 12 năm tù.

Đương nhiên, việc xử đúng tội danh là yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nội dung vụ án

Năm 2013, Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty VN Pharma) thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế H&C) đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix Pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam.

Từ năm 2013 đến tháng 9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá 251.000 USD.

Cơ quan điều tra còn kết luận Phạm Văn Kiệt (giám đốc Công ty Dược Sài Gòn) đã giúp sức qua hành vi sử dụng con dấu, chữ ký bất hợp pháp giúp Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc.

Theo cáo trạng, kết luận của Hội đồng giám định thuộc Bộ Y tế viết: “Lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Một phần do luật chưa rõ

Ngoài việc cơ quan tố tụng chưa xác định rõ tang vật là thuốc giả còn có một phần do BLHS 1999 chưa rõ khi quy định hành vi buôn bán hàng giả qua biên giới bị xử về tội buôn lậu, hoặc các tội khác liên quan đến hàng giả.

Trong BLHS 2015, điều này đã được khắc phục vì hành vi nêu trên sẽ bị xử lý về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với tình tiết định khung tăng nặng là “buôn bán qua biên giới”.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Các tin cũ hơn