Nguyên cán bộ Công an TP.HCM bị bắt vì gây thiệt hại 1.900 lượng vàng

Thứ sáu, 24/11/2017, 13:24
Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (gọi tắt là DAB), ngày 24.11, C46 đã tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Hồng Ánh, nguyên cán bộ Công an TP.HCM.


Ảnh minh họa

Ngày 24.11, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) đã tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở và nơi làm việc của bị can Nguyễn Hồng Ánh (56 tuổi, ngụ TP.HCM; nguyên cán bộ đội nghiệp vụ của Công an TP.HCM ) để điều tra hành vi "cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài bị can Ánh, C46 đã chia làm nhiều tổ công tác thi hành lệnh khởi tố đối với 7 lãnh đạo, cán bộ Phòng giao dịch của DAB, các chi nhánh và giám đốc các công ty, được tại ngoại điều tra, liên quan đến sai phạm xảy ra tại DAB.
Các bị can này có hành vi làm khống thủ tục tất toán các khoản vay của các cá nhân, tổ chức. Sau khi tiến hành khám xét nơi ở của các bị can, cơ quan công an thu giữ được một số tài liệu, giấy tờ liên quan đến vụ án.
Theo thông tin ban đầu, bị can Ánh ký hợp đồng vay 1.900 lượng vàng SJC của DAB nhưng đến thời hạn không trả, đến nay gây thất thoát tài sản của DAB.
Rạng sáng 24.11, CQĐT thi hành lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam tại nhà riêng ông Ánh ở KP6, P.Tân Phú, Q.7 (TP.HCM). Ngay sau khi bị bắt, ông Ánh đã bị di lý ra trại giam T16 Bộ Công an để phục vụ việc công tác điều tra.
Trước đó, tháng 12.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Phương Bình (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc DAB); Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó tổng giám đốc DAB) về 2 tội "cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng""vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng". Bị can Nguyễn Thị Kim Xuyến (59 tuổi, ngụ PQ.Gò Vấp, TP.HCM), nguyên Phó tổng giám đốc DAB bị khởi tố, tạm giam về 2 tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, các nguyên lãnh đạo phòng giao dịch, cán bộ DAB cũng bị bắt và khởi tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, ông Bình đã gây thiệt hại cho DAB hơn 2.000 tỉ đồng không thể thu hồi. Những người tiếp tay, giúp sức đắc lực cho ông Bình là bà Xuyến, bà Vân.

Ngoài bị can Nguyễn Hồng Ánh, 7 bị can khác cũng bị khởi tố gồm: ông Nguyễn Đỗ Thành Trung (nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch); Trang Tài Tâm (nguyên cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch, nay là Phó Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh – công nghệ, DAB Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh); bà Vũ Thị Thanh Hoa (nguyên Phó Trưởng Phòng Tín dụng DAB Sở giao dịch, nay là cán bộ Phòng Kinh doanh DAB, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Chí Công (Nguyên Phó trưởng Phòng Tín dụng DAB Sở giao dịch, nay là Phó giám đốc Phòng Thẩm định Khối tín dụng DAB Hội sở); ông Quách Thanh Sang (Nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch, nay là Thủ quỹ Phòng giao dịch Bình Tây thuộc DAB Chi nhánh quận 5, TP.HCM); ông Trương Hoàng Khải (Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thương mại Sao Việt Nam) và ông Trương Quốc Tân (Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Hội Tụ).

62.000 lượng vàng vào túi ai?
Trước đó, tháng 8.2015, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận hồ sơ từ Ngân hàng Nhà nước để điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm của các lãnh đạo và cán bộ DAB thời kỳ 2006 - 2015. Sau đó, Công an TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho C46 để tiếp tục điều tra vụ án. Ngay sau đó, C46 đã ra quyết định điều tra và khởi tố các bị can liên quan nhiều đợt cho đến nay.
Tháng 8.2015, DAB tiến hành kiểm tra quỹ của ngân hàng thì phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài số tiền này, hơn 62.000 lượng vàng “không cánh mà bay”.
Về số tiền trên, ông Bình thừa nhận dùng để kinh doanh bất động sản nhưng ngày càng thua lỗ. Năm 2007, Công ty T&T ký hợp đồng với Công ty E.L và Công ty H.L, DAB đã bảo lãnh nhằm hợp tác đầu tư. Tổng trị giá hợp đồng này là 100 triệu USD.
Đến năm 2008, dự án này đầu tư không hiệu quả nên Công ty E.L và H.L yêu cầu Công ty T&T trả lại 100 triệu USD. Sợ bị mất uy tín với các công ty cũng như uy tín của DAB, nên ông Bình đã ra tay “cứu giúp”. Ông Bình nhờ người nhà của mình đứng ra vay tiền của DAB để lấy tiền mua lại cổ phần, tài sản của Công ty T&T ở các công ty khác mà Công ty T&T đầu tư.
Do thân quen trước đó, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới của mình làm thủ tục cho Công ty T&T vay tiền của DAB để công ty trả nợ cho Công ty E.L và H.L. Vì thế, DAB bị thất thoát số tiền lớn nên ông Bình chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ bằng các khoản vay khống.
Lúc này, nợ nần chồng chất, quỹ của DongA Bank cạn kiệt, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất hơn 60.000 lượng vàng của khách hàng gửi tại DAB mang đi bán, lấy tiền trả nợ các khoản vay và lãi trước đó.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn