|
Kết luận điều tra cho thấy Phan Sào Nam đã chuyển 3,5 triệu USD qua ngân hàng của Singapore |
Liên quan đến vụ bóc gỡ đường dây đánh bạc xuyên quốc gia vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận số tiền vi phạm đã được các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài.
Trong đó, Phan Sào Nam, nguyên chủ tịch HĐQT của VTC Online, đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore.
Có thể thu hồi tài sản gửi sang Singapore
Theo luật gia Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, căn cứ vào các quy định pháp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hồi được tài sản bất hợp pháp đã chuyển ra nước ngoài.
Cụ thể trong trường hợp này, Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự vào ngày 29-11-2004. Theo đó có 8 nước ASEAN tham gia gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Maylaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Philippines.
8 nước thống nhất tương trợ trong thủ tục tịch thu. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật của nước mình, phải cố gắng xác định địa điểm, truy tìm, hạn chế, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có.
Đồng thời, Việt Nam đã tham gia công ước phòng chống tham nhũng vào ngày 30-6-2009, có hiệu lực ngày 18-9-2009.
Bằng các biện pháp, thủ tục theo luật định, Việt Nam cần chứng minh số tiền này là tài sản bất hợp pháp, do đánh bạc, tổ chức đánh bạc, tham nhũng… mà có.
Cơ quan điều tra của Việt Nam căn cứ vào luật pháp của Việt Nam, cụ thể là Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thông báo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và hiệp định tương trợ tư pháp để làm hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Singapore đề nghị thu hồi tài sản đó cho nhà nước Việt Nam và chuyển số tiền đó về Việt Nam.
Tương tự, luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng cơ quan điều tra Việt Nam có thể yêu cầu phía Singapore giúp thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Những dòng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp được gửi ra nước ngoài đang được cơ quan điều tra Việt Nam điều tra thì về nguyên tắc cơ quan điều tra phải có công văn phối hợp với cơ quan điều tra nước đó nếu hai bên có hợp tác về tư pháp.
Thu hồi bằng con đường ngoại giao
Luật sư Lượng phân tích thêm, nếu dòng tiền bất hợp pháp được chuyển sang quốc gia không có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì cơ quan tư pháp và cơ quan ngoại giao Việt Nam phải phối hợp để có công hàm về việc hành vi phạm tội ở Việt Nam có liên quan đến số tiền phạm pháp, đề nghị quốc gia đó tạm ngừng những giao dịch phát sinh, phong tỏa tài khoản để phục vụ điều tra.
"Đối với những nước không ký kết hiệp định tương trợ, chúng ta phải vận dụng những nguyên tắc chung như nguyên tác có đi có lại, nhờ hỗ trợ bằng con đường ngoại giao để đảm bảo vấn đề chống tham nhũng". Luật sư Hoàng Tư Lượng |
Theo ông Lượng, thông thường trong những lần kê khai tài sản, không ai khai ra số tiền mình đang có, vì vậy cần thay đổi cơ chế giám sát, dự báo.Những vụ án tham nhũng được phát hiện ra chủ yếu sau khi sự việc đã rồi.
Đối tượng tham nhũng thường là những người hiểu biết luật. Nếu chỉ dựa vào luật phòng chống tham nhũng thì rất khó khăn để phòng chống.
"Theo tôi nên kết hợp nhiều yếu tố ngoài luật phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền như: giám sát các nguồn đầu tư dưới dạng hợp tác đầu tư, du học, các giao dịch bất thường qua hệ thống liên ngân hàng, siết chặt giám sát đối với những người có chức vụ" - luật sư Lượng nói.
Theo TTO