Khởi nghiệp từ nghề nhôm kính, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) sở hữu khối tài sản đồ sộ, trở thành “ông trùm” bất động sản chỉ trong thời gian ngắn.
Vũ từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, người đại diện pháp luật của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và có chân trong Công ty I.V.C. Ngoài ra, Vũ còn nắm giữ 80% cổ phần ở Công ty TNHH Phú Gia Compound, sở hữu 10% cổ phần ở Ngân hàng TMCP Đông Á.
Giàu có nhanh chóng ở tuổi 38, đến 42 tuổi, Vũ “nhôm” bắt đầu bị phanh phui hàng loạt sai phạm mà đa phần trong số đó bắt nguồn từ việc thâu tóm, mua bán nhà, đất công sản.
Sau khi lĩnh bản án phúc thẩm 8 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, Vũ lại tiếp tục hầu tòa về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Lũng đoạn DAB
Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Vũ đồng phạm cùng với cựu Tổng giám đốc Đông Á Trần Phương Bình trong việc chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 203 tỷ đồng.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2013, Ngân hàng Đông Á rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Ông Trần Phương Bình muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư. Vốn quen biết với Vũ từ trước nên ông Bình đã bàn bạc bán 60 triệu cổ phần cho Vũ với giá 600 tỷ khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ vào năm 2014. Mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối hoạt động của ngân hàng này.
Để có tiền mua cổ phần, Vũ thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng (Harbour Ville) ở Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ. Lô đất này trước năm 2010, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương giao 17 ha cho Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586 triển khai. Sau đó, tháng 3/2011, Công ty 586 có văn bản xin chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên cho Phan Văn Anh Vũ với giá 2,5 triệu đồng/m2. Một tháng sau, Vũ có văn bản xin nhận quyền sử dụng lô đất trên với giá hơn 800.000 đồng/m2. 17 ha được chia làm 500 lô, Vũ dùng 220 lô thế chấp vay DAB.
Còn lại 200 tỷ, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Vũ. Do đó, thay vì thu của Vũ 200 tỷ thì ngày 17/1/2014, DAB lại chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79 số tiền 200 tỷ.
Cùng ngày, Vũ chuyển 600 tỷ cho DAB để mua 60 triệu cổ phần. Tuy nhiên, việc tăng vốn không thành nên DAB chuyển trả lại 600 tỷ đồng cùng hơn 9,5 tỷ tiền lãi cho công ty của Vũ “nhôm”.
Vũ chỉ nộp 400 tỷ từ tiền bán đất nhưng thực chất lại nhận về 600 tỷ, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ do ký chứng từ nộp khống và hơn 3 tỷ tiền lãi từ số tiền này.
Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 11/8/2015, Trần Phương Bình lại chỉ đạo Công ty vốn An Bình là công ty sân sau của ông bán 13,6 triệu cổ phần DAB cho Vũ với giá hơn 13,6 tỷ đồng. Vũ chỉ mới thanh toán được 46 tỷ, còn nợ hơn 90,5 tỷ đến nay vẫn chưa trả.
Ngoài ra, trong vụ án này, Vũ còn có trách nhiệm hoàn trả số tiền 13,4 triệu USD mà Trần Phương Bình chuyển cho Vũ vào năm 2014. Tính đến tháng 8/2018, Vũ chỉ mới khắc phục được 13 tỷ đồng thiệt hại của vụ án.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, Vũ thừa nhận hành vi của mình nhưng phủ nhận vai trò đồng phạm với cựu Chủ tịch DAB.
Thâu tóm tài sản công
Trước khi có tham vọng “sờ” đến DAB, Vũ “nhôm” dính líu đến việc mua bán rất nhiều tài sản công ở TP Đà Nẵng và TP.HCM.
9 dự án và 31 nhà, đất công sản nằm trên các tuyến đường đẹp nhất Đà Nẵng đều được cho là ký bán sai luật cho Vũ, như: Khu công viên An Đồn, khu đô thị Harbour Ville của Công ty cổ phần đầu tư Mega, khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài đường quy hoạch; Dự án Phú Gia Compound (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng - cà phê - bar và bến du thuyền trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng, phía tây cầu Rồng.
Ngoài ra còn có dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước; lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà; Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); Khu du lịch ven biển đường Trường Sa (4,5 ha phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Đa số các nhà, đất công sản trên được mua bán không qua đấu giá. Sau khi doanh nghiệp mua nhà, đất công sản thì không sử dụng đúng mục đích như tờ trình xin mua như ban đầu, mà đem bán để hưởng giá trị chênh lệch.
|
Ngoài ra, một khu đất khác liên quan đến ông Vũ trước đó được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm trong việc mua bán là khu đất phía nam cuối đường Phạm Văn Đồng.
Trong các dự án, nhà công sản bị thanh tra, điều tra có liên quan đến việc mua bán của Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty cổ phần 79, Công ty I.V.C, Công ty Minh Hưng Phát... Những công ty này đều có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Không chỉ ở Đà Nẵng, Vũ “nhôm” còn thâu tóm nhiều nhà, đất công sản ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM.
Tại buổi họp báo trưa 2/5/2018, nói về một số địa chỉ nhà, đất công sản liên quan đến Vũ “nhôm”, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận có một số địa chỉ nhà, đất công sản ở TP.HCM được giao cho ông chủ Công ty Bắc Nam 79.
Cụ thể, trong giai đoạn làm Phó chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2015, ông Nguyễn Hữu Tín ký văn bản 571 vào ngày 14/8/2015, bán chỉ định mặt bằng số 129 Pasteur (phường 6, quận 3) cho Công ty Bắc Nam 79 của Vũ "nhôm".
Ngày 22/6/2011, UBND TP có quyết định 3163 cho phép công ty của Vũ "nhôm" sử dụng khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1) với thời hạn 50 năm. Khu đất nằm sát khuôn viên Thư viện Tổng hợp từng được UBND TP.HCM cho phép sử dụng để mở rộng thư viện từ trước năm 1995.
Công ty của Vũ đã có văn bản xin được phê duyệt quy hoạch công trình phức hợp 25 tầng, mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích xây dựng hơn 13.000 m2.
Tháng 6/2015, TP.HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thuê khu đất hơn 2.300 m2 tại số 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1) trong thời hạn 50 năm. Trong đó có nội dung yêu cầu không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Sau khi vào tay của Vũ "nhôm", tháng 9/2015 khu đất được khởi công xây dựng cao ốc phức hợp Madison tại góc đường Thi Sách - Cao Bá Quát. Dự án này đang hoàn thiện phần thô, dự kiến giao cho khách hàng trong năm nay.
Kéo hàng loạt quan chức nhúng chàm
Sau khi Vũ “nhôm” vướng lao lý, hàng loạt cán bộ, quan chức, cựu quan chức của Đà Nẵng, TP.HCM, cũng lần lượt bị khởi tố, bắt giam. Tính đến nay, đã có 20 người bị khởi tố, 1 người bị giáng chức vì vướng vào sai phạm với Vũ.
Tối 19/4, ở Đà Nẵng, ông Phan Hữu Tuấn (nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an), ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an cùng bị khởi tố về hành vi Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. 2 người này sau đó lần lượt lĩnh 7 năm và 6 năm tù tại phiên tòa cuối tháng 7 cùng Vũ “nhôm”.
Ngoài ra, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014) cũng bị khởi tố về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
2 người này bị cho là đã đồng ý bán nhiều lô đất ở vị trí “đắc địa” cho Vũ “nhôm” không thông qua đấu giá khi còn đương chức.
|
3 bị can khác bị khởi tố để điều tra hành vi Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, gồm ông Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Đà Nẵng); Trần Văn Toán (nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng) và Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng).
Ngày 8/8, trung tướng Bùi Văn Thành bị cách tất cả chức vụ Đảng và giáng cấp bậc hàm từ trung tướng xuống đại tá. Ông Thành bị cho là tự ý ký quyết định cho Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho ông ta không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Tiếp đó, chiều 18/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố đối với Đào Tấn Bằng (cựu Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, nguyên là Phó chánh văn phòng UBND TP, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng) và ông Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP.Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa) về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Hai người khác cũng bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét chỗ ở cùng về hành vi trên là Nguyễn Văn Cán (sinh năm 1954, nguyên Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng) và Phan Xuân Ít (sinh năm 1954, nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng).
Cùng ngày, tại TP.HCM, cơ quan cảnh sát điều tra cũng có quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc 4 người: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) về hành Vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Và mới đây, ngày 19/11, ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TNMT TP.HCM) bị bắt về tội danh đã khởi tố trước đó.
Những người này được cho là đã có hành vi ký, tham mưu, giúp việc trong thương vụ bán hàng loạt nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”. Những tài sản này đang được Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an điều tra vì nghi việc mua - bán chưa đúng pháp luật.
|
Ngày Vũ “nhôm” bị bắt, thiếu tướng Lê Văn Cương từng nhận định chắc chắn Vũ phải có chỗ dựa mới có thể tự do tung hoành như thế. “Việc tiếp tay chắc chắn là có, tuy nhiên cơ quan điều tra lần ra đến mức độ nào, vào ai, khởi tố thêm ai thì chúng ta nên chờ đợi mới biết được''.
Và chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm sau, hàng chục cá nhân bị khởi tố, bị bắt rồi lĩnh án. Họ đều là những cựu quan chức, cán bộ giữ chức vụ cao ở Đà Nẵng và TP.HCM.
Hơn 20 người lần lượt vướng lao lý chỉ bằng cụm từ “dính đến Phan Văn Anh Vũ”.
Còn bao nhiêu vụ án về Vũ “nhôm” chưa được phanh phui? Còn ai “vướng vào Vũ” chưa lộ diện? Và trong đại án ở DAB lần này Vũ phải trả giá bằng bản án nào?
Theo Zing