Tối 30/9, công an đã bắt 2 nghi can sát hại, cướp tài sản tài xế GrabBike Nguyễn Cao Sang (18 tuổi, quê Thanh Hóa). Sang bị sát hại 4 ngày trước đó, khi chở hai thanh niên bắt xe từ Bến xe Mỹ Đình đến phố Tân Phong, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cậu là sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội vừa nhập học hơn một tháng.
Tròn một năm trước, Lê Nhật Hào, cậu sinh viên trẻ măng ở TP.HCM, cũng bị sát hại tại một khu đất trống ở huyện Bình Chánh khi đi làm thêm bằng việc chạy ứng dụng GrabBike. 5 ngày sau khi thi thể của tài xế Hào được phát hiện, nghi can bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Đó là hai trong số rất nhiều sự cố đau lòng xảy đến với những tài xế xe ôm công nghệ, đa phần là các bạn sinh viên trẻ.
"Nguy cơ mất an toàn với nghề này lúc nào cũng có", ông Phạm Mi Sên, đội trưởng một đội GrabBike tại TP.HCM, cho biết.
"Ngày xưa ít hơn còn bây giờ kẻ xấu muốn nhắm vào đối tượng xe ôm công nghệ rất nhiều. Những kẻ này ngày càng tinh vi hơn. Sau những vụ việc xảy ra với tài xế được báo chí, truyền thông đăng tải, kẻ xấu cũng học hỏi từ đó và có nhiều chiêu trò khác", ông Sên nói.
Ông Phạm Nguyễn Viết Khánh, một đội trưởng đội GrabBike khác ở TP.HCM, cho rằng tài xế xe ôm công nghệ là đối tượng hàng đầu được kẻ cướp thường xuyên nhắm đến với tài sản gồm cả xe máy và smartphone.
Hiện trường tài xế GrabBike Lê Nhật Hào bị sát hại hồi tháng 10/2018. |
"Kẻ cướp cũng chọn đối tượng để cướp. Ai lại đi chọn ông tài xế lão luyện mà chúng sẽ chọn người ngây thơ, nhìn mặt non choẹt. Chúng nhắm vào những bạn chạy xe mới, các loại xe đắt tiền như xe tay côn, xe tay ga", tài xế Khánh nói.
Tài xế Sên cho biết hầu hết trường hợp tài xế gặp nguy hiểm khi bắt khách không qua ứng dụng.
Những kẻ có ý định cướp bằng cách đặt xe ngoài ứng dụng rất tinh vi. Chúng đưa ra mồi nhử ngon lành như đặt đi xa và trả nhiều tiền khiến một số tài xế cảm thấy được nhận số tiền kha khá nên mất cảnh giác, nhận chạy.
Ông Nguyễn Tiến, một tài xế GrabBike tại TP.HCM, nói thêm có những người lúc đầu không yêu cầu chở đi lòng vòng mà vẫn đến đúng điểm xuống xe rồi nói chuyện với người khác trước mặt tài xế như người nhà để khiến tài xế tin tưởng. Sau đó, khách nhờ tài xế chở tiếp đến những đoạn đường vắng hơn và thực hiện hành vi xấu.
Ngoài ra, có hiện tượng khách cố tình đặt xe nhưng tài xế đến nơi lại hủy chuyến trên ứng dụng và nói tài xế vẫn chở.
Các tài xế cũng nhấn mạnh không chỉ đón khách ngoài ứng dụng mới có khả năng gặp nguy hiểm. Ngay cả khách đặt qua ứng dụng vẫn có thể tạo ra mối nguy với tài xế như gây hấn, xô xát, quỵt tiền xe, trấn lột.
Ông Sên lấy ví dụ kẻ xấu có thể nhờ một người ngoài đường hay trong quán cà phê đặt xe giúp với lý do điện thoại hết pin, hết dung lượng mạng. Người được nhờ nghe vậy nên đặt giúp mà không lường được hậu quả người đi xe gây ra.
"Có cả những tình huống đặt xe khách vẫn đi bình thường, xuống xe trả tiền nhưng khi tài xế ra khỏi khu vực đó thì đồng bọn đợi sẵn, chặn cướp", ông Sên cho hay.
Tài xế Khánh chia sẻ có trường hợp vừa thả khách xuống xe trong hẻm thì bị 2-3 đối tượng chặn đầu xịt hơi cay. Khi đó, tài xế chỉ biết nhắm mắt chạy hết ga. Hay tài xế chở khách ngồi sau nhưng có kẻ đi song song đợi sơ hở cướp giật hoặc chặn đường, kiếm cớ gây hấn với mục đích trấn lột.
Theo ông Sên, hàng ngày cánh tài xế biết không ít những tình huống các đồng nghiệp thoát được nguy hiểm và nhắc nhở nhau đề phòng. Trường hợp tài xế thoát được các vụ cướp không thành chỉ cộng đồng tài xế biết với nhau chứ người ngoài không hay như những vụ việc đã xảy ra được báo chí đăng tải. "Chuyện như vậy không ít đâu, nhiều lắm", tài xế Sên kể.
Xe ôm công nghệ bùng nổ chóng mặt mà đóng góp số lượng không nhỏ là các bạn tuổi đời 18, đôi mươi như Sang, như Hào...
Một chiếc xe máy, tấm bằng lái xe, phiếu đăng ký và làm một bài kiểm tra nhỏ, Sang, Hào và hàng nghìn tài xế bước vào cuộc mưu sinh trên yên xe máy, đóng góp vào thế độc quyền của Grab trên thị trường gọi xe tại Việt Nam.
Mỗi ngày, Grab đang thực hiện 800.000 chuyến xe trên khắp Việt Nam. Doanh nghiệp này đang chiếm tới 73% thị phần gọi xe tại quốc gia này.
Con số ấn tượng được đó có được là nhờ 190.000 đối tác tài xế đang tham gia ứng dụng này, tính đến tháng 5, theo công bố của Grab, trong đó tài xế xe ôm chiếm tỷ lệ lớn.
"Cuộc đua thị phần của Grab với GoViet với các hãng thực chất đều quay quanh chiếc xe máy và những tài xế xe ôm công nghệ", một người trong ngành nói với Zing.vn. Những tài xế như Sang, Hào... không chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển khách, họ là trung tâm để Grab, GoViet phát triển các dịch vụ khác đi kèm như giao đồ ăn, giao hàng... trở thành siêu ứng dụng. Nói cách khác, tương lai của Grab và các ứng dụng này nằm trong tay các tài xế xe ôm.
Quyết định thành bại của startup kỳ lân khu vực, các tài xế xe ôm công nghệ đã được trang bị kỹ năng, huấn luyện thế nào trước khi bước vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn này?
Trách nhiệm Grab và các hãng xe ôm công nghệ ở đâu, khi những câu chuyện buồn như Sang, như Hào và vô số những cuộc thoát hiểm may mắn khác vẫn diễn ra mỗi ngày?
Phản hồi PV, đại diện Grab cho biết đang mua bảo hiểm tai nạn cho đối tác tài xế và hành khách trong chuyến đi với mức bảo hiểm tối đa lên đến 115 triệu đồng/người.
"Với những chuyến xe không được thực hiện qua ứng dụng Grab, chúng tôi không thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý một cách nhanh chóng nếu xảy ra sự cố. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và quyền lợi trong chuyến đi của mình, bao gồm cả bảo hiểm tai nạn cho đối tác tài xế và khách hàng, Grab khuyến khích khách hàng luôn đặt xe thông qua ứng dụng và đối tác tài xế chỉ nhận cuốc xe thông qua ứng dụng", phía Grab cho biết.
Trong khi đó, theo tài xế Sên, hãng mua bảo hiểm cho tài xế và cả khách hàng trong chuyến đi chứ không phải bảo hiểm 24/24. Khi cuốc xe kết thúc hoặc tài xế chưa rước khách thì không áp dụng quy định bảo hiểm.
Hai nghi can sát hại tài xế GrabBike Nguyễn Cao Sang sau khi đặt xe ngoài ứng dụng bị bắt. |
Khi bắt khách ngoài ứng dụng, Grab chỉ có hỗ trợ mang tính thiện nguyện. Theo ông Sên, hầu hết trường hợp, Grab đều có hỗ trợ nhưng hãng không công bố số tiền.
Nói với PV, đại diện Grab khẳng định đã tổ chức lớp đào tạo kỹ năng phòng vệ hàng tháng, kiểm tra kỹ đầu vào khi đăng ký đối tác, trang bị các tính năng gọi khẩn cấp S.O.S, nhắn tin khẩn cấp cho ác số S.O.S, chia sẻ chuyến đi, chia sẻ hành trình, xác thực hình ảnh tài xế, cảnh báo tài xế lái xe trong tình trạng mệt mỏi trên ứng dụng.
Những cảnh báo an toàn cũng thường xuyên được Grab gửi đến các tài xế.
Tuy nhiên, những hành động của Grab đã là đủ? Liệu Grab đã làm hết trách nhiệm của mình? Sau những vụ việc đau lòng như với cậu sinh viên Sang, liệu Grab có điều chỉnh chính sách và vận hành?
Những câu hỏi này được gửi đến Grab Việt Nam, thế nhưng đáp lại vẫn chỉ là những thông tin chung chung, quen thuộc. Số liệu thống kê về những vụ tai nạn xảy ra với các tài xế cũng không được Grab tiết lộ.
Tại California, Mỹ, sau quá trình đấu tranh dài, các tài xế Uber đã được xem là nhân viên thì những tài xế của Grab, GoViet tại Việt Nam vẫn bị chối bỏ trách nhiệm, chỉ được xem là đối tác.
Theo Zing