|
Theo kết luận điều tra sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) giai đoạn 2 mới được Cơ quan Điều tra Bộ Công án công bố, DAB có thực trạng thời điểm 31/12/2015 là lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng rơi vào hoàn cảnh trên là do ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DAB đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ qua loa, cho vay hàng loạt nhóm khách hàng nhằm có nguồn tiền xử lý hậu quả thương vụ 100 USD bị đổ bể trước đó.
Trong chuỗi tạo tiền này, riêng tại Đà Lạt, không chỉ hai dự án không có giá trị làm tài sản đảm bảo mà BizLIVE đề cập ở bài viết trước (dự án Trung tâm Văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng và dự án Khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan tại tỉnh Lâm Đồng), còn có dự án và loạt bất động sản khác được đẩy vào vòng quay.
Cụ thể, ngoài các khoản cho vay liên quan đến hai dự án tài sản đảm bảo không có giá trị nói trên, ông Trần Phương Bình còn chỉ đạo cho Công ty Vốn Thái Thịnh (TTC) vay hơn 220 tỷ đồng để có tiền thanh toán cho đối tác trong thương vụ 100 triệu USD với các quỹ đầu tư bị đổ bể trước đó.
Cụ thể, ngày 16/1/2009, DAB Chi nhánh quận 10 có tờ trình đề nghị DAB Hội sở cho TTC vay hơn 220 tỷ để thanh toán theo hợp đồng ký với đối tác. Nguyễn Thị Ngọc Vân ký duyệt đồng ý và trình Trần Phương Bình phê duyệt, ông Bình đã phê duyệt đồng ý.
Ngày 19/1/2009, DAB ký hợp đồng cho TTC vay hơn 220 tỷ đồng, thời hạn vay 36 tháng, mục đích vay thanh toán theo hợp đồng hợp tác ký ngày 8/12/2007. Tài sản bảo đảm là Khu văn hóa, nghỉ dưỡng Langbiang thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; 2.807,6m2 đất nông nghiệp và hơn 1.591m2 đất thổ cư tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; được DAB định giá thời điểm cho vay là hơn 320 tỷ đồng.
Cùng ngày, DAB ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất số 0564. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của Dự án Khu văn hóa, nghỉ dưỡng Langbiang; được DAB định giá thời điểm thế chấp là 285 tỷ đồng. Hai bên còn ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 0565. Tài sản thế chấp là 4 quyền sử dụng đất tại phường 9, TP. Đà Lạt; được DAB định giá thời điểm thế chấp là 35,7 tỷ đồng.
Trong ngày 19/1/2009, DAB giải ngân cho TTC vay hơn 220 tỷ, TTC chuyển thanh toán cho đối tác trong thương vụ làm ăn 100 triệu USD.
Cơ quan Điều tra nêu, đến ngày 29/7/2010, khoản vay nêu trên đã được tất toán hơn 261 tỷ gồm tiền gốc và lãi từ các nguồn tiền gồm hơn 7 tỷ của khoản vay hơn 215 tỷ của Công ty Nhật Quang, hơn 113 tỷ từ khoản vay của 5 cá nhân thuộc nhóm TTC, hơn 116 tỷ từ khoản vay của Công ty Bắc Bình và hơn 24 tỷ từ nguồn khác.
Với khoản vay của Công ty Nhật Quang, ngày 1/6/2009, DAB Chi nhánh quận 10 có tờ trình đề nghị DAB Hội sở cho Công ty Nhật Quang vay hơn 215 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh Khu chung cư cao tầng tại lô đất 1C, 2A, 2B, 2D, 2E trong dự án Khu đô thị mới Đông Tăng Long, phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại dự án và toàn bộ công trình hình thành trong tương lai của các lô đất; được DAB định giá thời điểm thế chấp là 1.450 tỷ đồng.
Theo Cơ quan Điều tra, tính đến 24/12/2018, 3 khoản vay của TTC và Công ty Nhật Quang đã được tất toán tổng số hơn 755 tỷ đồng (gồm 694 tỷ tiền gốc và gần 62 tỷ tiền lãi, giảm hơn 51 tỷ tiền lãi) từ các nguồn tiền gồm hơn 743 tỷ đồng từ tiền vay của DAB và hơn 12 tỷ từ nguồn khác.
Khai với Cơ quan Điều tra, ông Trần Phương Bình cho biết để hỗ trợ ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Công ty Vốn Thái Thịnh - TTC và TTC hoàn trả khoản tiền 100 triệu USD cho đối tác, năm 2009 và 2010 ông Bình đã chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DAB để Vân chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ tín dụng cho TTC và Công ty Nhật Quang vay tổng số hơn 694 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo như đã nêu ở trên. Đến nay, các khoản vay của TTC và Công ty Nhật Quang đã được tất toán, trong đó có sử dụng hơn 743 tỷ từ tiền vay của chính DAB để trả nợ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân khai, ông Bình chỉ đạo Vân, Vân chỉ đạo Nguyễn Tăng Ngọc Linh, Phó giám đốc DAB Chi nhánh quận 10 lập hồ sơ tín dụng cho TTC và Công ty Nhật Quang vay 3 khoản để hoàn trả khoản 100 triệu USD và sử dụng mục đích khác.
Ông Nguyễn Tăng Ngọc Linh khai, thực hiện theo chỉ đạo của Vân, Linh căn cứ hồ sơ đề nghị vay của TTC và Công ty Nhật Quang, lập và ký tờ trình đề nghị Hội sở phê duyệt cho TTC và Công ty Nhật Quang vay hơn 694 tỷ để đầu tư, xây dựng và khai thác kinh doanh các Khu chung cư cao tầng tại các lô đất 1C, 2A, 2B, 2D, 2E trong dự án Khu đô thị mới Đông Tăng Long, quận 9 và hoàn trả khoản 100 triệu USD.
Linh khai, thực tế chỉ có hơn 21 tỷ đồng để chuyển cho Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) để thanh toán đợt 1 Hơp đồng chuyển nhượng 87.757m2 đất có hạ tầng để xây dựng chung cư cao tầng tại Khu đô thị mới Đông Tăng Long, số tiền còn lại được chuyển cho TTC để hoàn trả cho đối tác trong vụ 100 triệu USD và sử dụng mục đích khác.
Cũng theo Linh, do có ý kiến chỉ đạo của Vân nên Linh đã lập tờ trình đề nghị cho vay dựa trên thông tin của hồ sơ do khách hàng đưa, không tiếp xúc khách hàng, không thực hiện các bước thẩm định hồ sơ như thẩm đinh phương án kinh doanh, tài sản thế chấp, mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ…
Cơ quan Điều tra nêu, đến nay Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vốn Thái Thịnh - TTC và Nguyễn Ngọc Minh, Tổng giám đốc TTC Đà Lạt và Công ty Nhật Quang đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Theo BizLive