|
Khi đã dính vào tín dụng đen, hầu hết các nạn nhân đều rơi vào tình cảnh sống không được mà chết cũng không xong. Con nợ sẽ không bao giờ thoát được nợ dù có cố gắng làm hết sức để trả nợ.
Những ngày qua, Báo đăng tải loạt bài “Vay 50 triệu nhưng phải trả hơn 20 tỉ”, “Vụ vay 50 triệu trả 20 tỉ: Biết rủi ro, đừng nên lao vào”, “Vay 350 triệu phải đi công chứng nhận nợ hơn 2,7 tỉ”… phản ánh về những hoàn cảnh đang vướng vào vòng luẩn quẩn của tín dụng đen. Sau khi các bài báo đăng tải thì đường dây nóng và fanpage của báo liên tục nhận được những tiếng kêu cứu về tình cảnh tương tự.
Bốn minh chứng rõ nhất là trường hợp của chị NTPT (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) vay tiền của các đối tượng trên mạng với số tiền ban đầu là 60 triệu đồng. Được một thời gian chị không trả được nên buộc phải vay của người sau để trả cho người trước. Mỗi người mà chị đi vay là một đầu nợ, số đầu nợ mà chị vay có thời điểm lên tới hơn 30 người. Chỉ hơn một năm, từ số tiền vay 60 triệu đồng thì nay số nợ chị phải trả lên tới hơn 7 tỉ đồng.
Tương tự, chị PTNT (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng từ số tiền vay 50 triệu đồng ban đầu thì qua nhiều lần vay qua vay lại số tiền chị phải trả đã lên tới con số 20 tỉ đồng.
Hai trường hợp khác cũng là hình thức vay tín dụng đen nhưng trường hợp của anh NLCH (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) và chị Nguyễn Thị Thu Hồng (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vì áp lực, sự đe dọa, khủng bố cả về thể xác lẫn tinh thần của các đối tượng mà bị các đối tượng ép xác nhận những số nợ lớn hơn gấp nhiều lần số tiền vay thực tế.
Là người trực tiếp đi ghi nhận những câu chuyện thực tế của từng người, tôi nhận ra một điều là đa số các con nợ đã bị dồn ép vào bước đường cùng, không còn cách nào khác nên mới lên tiếng trong tuyệt vọng.
Tín dụng đen tồn tại ở nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành nhưng phức tạp hơn cả vẫn là ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bởi lẽ ở các TP lớn luôn tồn tại những nhu cầu vay tiền rất lớn, trong khi không phải ai cũng đáp ứng đủ điều kiện để vay tiền tại các tổ chức tín dụng.
Có cầu thì ắt có cung nhưng cũng nhìn lại một sự thật từ những câu chuyện cho vay lãi nặng đó là những quan hệ dân sự. Rất nhiều câu hỏi gửi về dồn dập cho chúng tôi rằng tại sao biết là cho vay lãi nặng mà công an không vào cuộc để triệt phá ngay từ đầu? Câu trả lời chúng tôi phải phản hồi cho rất nhiều bạn đọc là không dễ, bởi đây chỉ là một quan hệ dân sự, lực lượng công an không thể nào quản lý những quan hệ dân sự vay mượn tiền bình thường giữa các cá nhân ngay từ đầu. Khi họ bị dồn đến đường cùng thì mới kêu cứu công an, lúc này để chứng minh một bên có yếu tố cho vay lãi nặng lại không dễ chút nào. Đến lúc đó thì con nợ cũng đã trả giá quá nhiều cho sự dễ dãi khi đặt bút ký các khoản vay.
Lúc vay tiền tại sao người đi vay không đặt ra các câu hỏi: Tại sao lại dễ vay như vậy? Không cần tài sản thế chấp, không đưa ra lãi suất cụ thể, thủ tục giải ngân nhanh, giấy tờ đơn giản… vẫn được vay?
Chúng tôi chuyển những câu hỏi này của bạn đọc đến chính những nạn nhân. Câu trả lời chúng tôi nhận lại đơn giản là do có nhu cầu cần tiền gấp nên không quan tâm nhiều đến lãi suất về sau.
Đa số các con nợ phát hiện ra mức lãi suất vay cắt cổ là khi đã bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan và dễ dãi của người đi vay.
Vấn đề mấu chốt trong các vụ cho vay lãi nặng, tín dụng đen vẫn ở chính mỗi người, chỉ có tự mình mới giải thoát được cho chính mình. Nếu không có sự dễ dãi, sự chủ quan của người đi vay thì hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng sẽ không có đất để tồn tại.
Theo PLO