Ông Trương Trọng Nghĩa: "Sẽ đưa vụ án Hồ Duy Hải lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội"

Thứ ba, 12/05/2020, 14:41
"Vừa qua cử tri có nêu vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, sẽ nêu ý kiến của cử tri lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết.

Ngày 12/5, trao đổi với PV bên lề buổi tiếp xúc cử tri tại quận Bình Thạnh (TPHCM), đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, vừa qua cử tri có nêu vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, sẽ nêu ý kiến của cử tri lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

"Theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có ý kiến với TAND Tối cao hoặc có thể đề xuất Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đây là những vấn đề sẽ do Quốc hội quyết", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Nói về giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là không trái quy định pháp luật. Nếu cho rằng kháng nghị này trái pháp luật thì trong phần thủ tục, Hội đồng thẩm phán phải giải quyết vấn đề này trước và ra quyết định không chấp nhận kháng nghị. Đồng thời không giải quyết các nội dung trong kháng nghị giám đốc thẩm mà Viện trưởng VKSND Tối cao đã nêu.

Bên cạnh đó, ông Trương Trọng Nghĩa phân tích, pháp luật không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này nếu có.

Tại khoản 2 Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nêu rõ, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Tử tù Hồ Duy Hải.

Về đơn xin giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình. Quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tử có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính đúng sai của bản án.

Ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm, quyết định của Chủ tịch nước khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND Tối cao hay Viện trưởng VKSND Tối cao. Chẳng hạn khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm thì không có nghĩa là bản án tử hình là sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn