Từ vụ cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây: Lộ diện nhân vật “có số má” về tiền ảo

Thứ sáu, 26/06/2020, 08:01
Vụ cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây mà Bộ Công an vừa bắt băng nhóm dàn cảnh để bắt cóc, đã hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ với việc nạn nhân trong vụ cướp được xác định là ông Lê Đức Nguyên - một nhân vật “có số má” trong lĩnh vực tiền ảo - đang bị cấm phát hành và cung ứng.

Ông Lê Đức Nguyên tại một buổi diễn thuyết về mô hình Bitkingdom. Ảnh: Tư liệu
Ông “trùm” tiền ảo ẩn danh
Năm 2016, trong giới đầu tư tiền ảo, cái tên Lê Đức Nguyên nổi lên là vai trò là người sáng lập sàn tiền ảo Bitkingdom. Tìm kiếm từ khoá “Lê Đức Nguyên + Bitkingdom” trên YouTube hiển thị rất nhiều video clip các buổi thuyết trình của nhân vật này về Bitkingdom, về đầu tư kinh doanh đa cấp thông qua token sử dụng đồng tiền điện tử được cho thông dụng nhất thế giới là Bitcoin.
Cụ thể hơn Bitkingdom là tên gọi của một tổ chức hoạt động tại Việt Nam từ tháng 11/2015 và tự coi là một trung tâm cộng đồng toàn cầu, cung cấp cho những thành viên tham gia sứ mệnh trao quyền cho cộng đồng - kết thúc nghèo và có một hệ thống giao dịch rất chuyên nghiệp. Bitkingdom được giới thiệu như là một hệ thống mà trong đó có sự khớp lệnh giữa 2 nhân tố, đó là người cho và người nhận lại, bao gồm nhiều gói để khách hàng có thể lựa chọn tham gia.
Tối thiểu 1 bitcoin khoảng 10 triệu đồng thời điểm đó và sau đó sẽ nhận lại lợi nhuận 1%/ngày, lợi nhuận tháng 30%/tháng. Khi bạn càng đầu tư nhiều tiền thật để đổi về nhiều tiền ảo thì lợi nhuận của bạn càng cao. Đó là bài toán mà Bitkingdom vẽ ra, được quảng bá bởi những “chuyên gia” như ông Lê Đức Nguyên.
Theo đánh giá của giới đầu tư tiền ảo không khác gì mô hình đa cấp Ponzi, Bitkingdom tranh thủ lôi kéo những người thiếu hiểu biết. Bằng việc chia phần trăm hoa hồng cho những thành viên mới tham gia và kêu gọi được người tham gia, sàn tiền ảo này ngày càng đông người chơi hơn. Khi không còn người tham gia, số tiền người bỏ vào nhỏ hơn số tiền bán ra, Bitkingdom cuối cùng đã sập và chỉ còn là một website bị lỗi và không thể phục hồi, số tiền trong đó hoàn toàn bị mất mà người chơi chẳng biết tìm ai để đòi.
Trao đổi về kinh nghiệm đau lòng khi tham gia vào mạng Bitkingdom, anh T.Hiếu - một nhà đầu tư ở TP.HCM - cho biết, tại thời điểm cuối năm 2016 và 2017, trên Facebook tràn ngập những lời mời gọi, hấp dẫn với việc chơi bitkingdom. Anh Hiếu đã tò mò, tham gia theo lời mời của nhiều người bạn với sự hấp dẫn về một bức tranh lợi nhuận trong một tháng với mức 30% lợi nhuận.
“Còn nhớ thời điểm đó, 1 bit được bán với giá 13 triệu đồng và tôi đã đầu tư mua gần 200 bit với suy nghĩ đơn giản sau 2-3 tháng lấy lời sẽ rút ra. Tuy nhiên, mọi việc đã sụp đổ nhanh chóng khi ngay tháng đầu tiên đã không thể nhận lãi và liên tục chỉ là lời hứa hẹn với nhiều lý do về quy định của hệ thống. Tôi cảm thấy bất an đã yêu cầu leader của mình bán để thu hồi vốn. Nhưng việc này cũng bị kéo dài và tôi liên tục bị ép giá. Và rồi khi chấp nhận bán lỗ để thu hồi tiền thì cũng vào thời điểm đó, sàn bitkingdom sập. Tất cả mọi thứ mất sạch”, anh Hiếu phản ánh.
Liên quan đến vòi bạch tuộc tiền ảo?
Theo hồ sơ thu thập được thì ở Việt Nam, mô hình Bitkingdom được vận hành và “sáng tạo” thêm bởi một công ty có tên Công ty Cổ phần Modern Tech, có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. Công ty này được thành lập ngày 31/10/2017 và tuyên bố đóng cửa ngày 7/3/2018, tức chỉ hoạt động hơn 4 tháng. Modern Tech có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Hồ Xuân Văn làm tổng giám đốc.
Hồ Xuân Văn được cho từng tham gia Công ty Bitkingdom. Học hỏi mô hình Bitkingdom, Modern Tech đã xây dựng nên dự án iFan được cho là đã khiến 32.000 người sập bẫy với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng theo lời các nạn nhân tố cáo. iFan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000USD, cam kết lãi suất lên tới 48%/tháng, tương ứng với mức lãi siêu khủng là 576%/năm. Đó là chưa kể việc lôi kéo được người mới tham gia còn được trích 8% giá trị vốn góp của người đó.
Trong khi đó, tại nhiều dự án sàn tiền ảo trên mạng theo dạng đa cấp, ông Lê Đức Nguyên được giới đầu tư tiền ảo cho hay tham gia với vai trò là thủ lĩnh của một số nhóm, nhưng ít bao giờ lộ mặt vai trò này. Một số sàn tiền ảo điển hình như: Bitkingdom, Pincoin, iFan… ông Nguyên thường xuất hiện với tư cách là diễn giả tại các buổi thuyết trình về kinh doanh tiền ảo. Cho tới thời điểm hiện tại, Bitkingdom biến mất, giới đầu tư cho biết, Lê Đức Nguyên “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Và tới khi xảy ra vụ cướp, cái tên này mới xuất hiện.
Ngày 21/6 vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự - C02, Bộ Công an cho biết, đã triệt phá thành công băng nhóm tội phạm cướp tài sản trong ví điện tử của một nhà đầu tư, xảy ra tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nạn nhân là doanh nhân cùng vợ con trong vụ án, bị cướp 35 tỷ đồng tên thật là Lê Đức Nguyên (tên thường biết đến là Lucas, SN 1988, quê Bình Định, ngụ Q.2, TP.HCM). Ông Nguyên nổi tiếng trong giới kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam.
Trước đó, cuối tháng 5, các trinh sát phát hiện dấu hiệu một băng nhóm tội phạm sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn mới để cướp tài sản nên đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành theo dõi. Ngày 18/6, lực lượng chức năng C02 đã làm rõ ổ nhóm tội phạm trên. Theo cơ quan công an, nhóm trên từng kinh doanh tiền điện tử nhưng thua lỗ và tìm mọi cách để xác định nguyên nhân. Thời điểm này, chúng thấy ông Nguyên ở TP.HCM kinh doanh tiền điện tử thành công nên cho rằng doanh nhân này là nguyên nhân khiến chúng thất bại.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích