Ngày 10/9, TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1980, ở xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) về tội giết người. Một phiên tòa đầy nước mắt với nỗi đau, mất mát nhân đôi cho một đại gia đình.
Vụ trọng án xảy ra chiều tối ngày 1/7/2011, tại mảnh đất của bố mẹ mà anh em Mạnh - Hạnh đang cùng chung sống. Em gái bị cáo, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981), làm chủ cửa hàng vật liệu xây dựng nên thuê anh trai chở cát bằng xe công nông.
Khoảng 13h ngày 1/7/2011, Hạnh gọi điện thoại cho Mạnh đến chở cát cho khách. Nhưng phải hơn 1 tiếng sau, anh trai mới tới nên cô em gái bảo đã gọi cho người khác làm thay rồi. Mạnh giận dỗi nói với em gái: “Thế thì mày thuê người khác làm, tao không làm nữa”. Hạnh cũng không vừa, bảo anh: “Mang sổ sách sang đây để thanh toán”.
Mạnh không nói gì mà hậm hực đi về. Tới buổi chiều, người anh trai đi ăn cưới ở nhà người họ hàng về sang nhà em gái hỏi về công việc ngày hôm sau trong hơi men. Không gặp Hạnh ở nhà, thấy đứa cháu ở nhà, Mạnh dọa: “Mẹ mày về đây thì tao xử”.
Một lúc sau, thấy em gái về, Mạnh lại đi sang nhà em gái. Lúc này, hai người có lời qua tiếng lại. Mạnh tát em gái 1 cái vào mặt. Tức tối, Hạnh đứng trước cửa nhà chửi lại anh.
Người anh trai "tội đồ" trả giá bằng án tù chung thân.
“Nóng mặt” với em, Mạnh vơ luôn can xăng ở phía trong nhà, đổ vào người em gái rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng lên, chị Hằng là vợ Mạnh cùng hàng xóm lao tới dập lửa nhưng không kịp.
Người anh châm lửa xong chạy sang nhà người bác gần đó cầm con dao phay trở lại nhà em gái. Thấy mọi người đưa Hạnh đi viện, hung thủ mới vội vàng chạy trốn. Hạnh được đưa nhập viện, điều trị một thời gian thì qua đời. 3 tháng sau, biết em gái không qua khỏi, Mạnh quay về đầu thú.
Ngồi trên hàng ghế dự khán, mẹ của bị cáo đồng thời là thân nhân bị hại nhìn héo hắt vì nỗi đau các con sát hại lẫn nhau. Bà kể chuyện gia cảnh có 5 người con, Mạnh và Hạnh là 2 anh em sát nhau. Nhà nghèo, bà chỉ lo được cho Mạnh học hết lớp 1, Hạnh và các em cũng chỉ tới được lớp 8 rồi nghỉ học, bươn chải giúp gia đình.
Hạnh lấy chồng nhưng vì kinh tế khó khăn nên bà cho con làm nhà sống chung với mấy anh em trai ở cùng mảnh đất. Ban đầu, anh em cũng thân thiết với nhau. Nhưng Hạnh vốn là người nóng tính, các anh chở vật liệu thuê cho gia đình cô có chậm trễ là em gái buông lời khó nghe.
Thấy cảnh anh em xử sự với nhau “trái mắt”, không ổn, người mẹ đã khuyên 2 con trai không nên tiếp tục làm thuê cho em, kẻo có ngày tình nghĩa cũng sứt mẻ. Người em sau của Hạnh làm cho cô đã nghỉ trước đó. Mạnh “nhịn” giỏi nên vẫn tiếp tục làm cho đến ngày xảy ra sự việc đau lòng.
Không biết phải nói đỡ cho con trai hay xót lòng, buốt ruột vì mất con gái, người mẹ khốn khổ chỉ biết ngồi lặng trên ghế, khóc ròng vì thương cháu, đứa thì mất mẹ, đứa có khả năng không còn cha mà “anh em chúng nó chắc cũng suốt đời không nhìn được mặt nhau nữa”.
Người con trai mang trọng tội cũng nhiều lần cố ngoái lại nhìn mẹ, vợ và hỏi han các con. 2 đứa trẻ, đứa lên 4, đứa mới lên 2 cũng được đưa tới tòa nhưng không được vào phòng xử án, người thân phải trông phía ngoài. Cả gia đình tan nát, bi kịch chỉ biết nhìn nhau, nước mắt chảy dài.
Mạnh khai nhận trước tòa, biết có can xăng để ở sân sau vì chính mình là người đi mua 5 lít, đã đổ vào máy tuốt lúa 3 lít, còn 2 lít, trong lúc giận em, thiếu kiềm chế đã động thủ. Bị cáo cố lý giải không muốn hậu quả xảy ra, không ngờ em mất mạng, do ít học, không nhận thức được vấn đề.
Tuy nhiên, lý lẽ này không được tòa chấp nhận vì một người trưởng thành, đủ năng lực hành vi, đương nhiên phải xác định được việc đổ xăng vào người khác rồi châm lửa là hành động nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người đó.
Mạnh bị HĐXX tuyên phạt tù chung thân. Vụ thảm án để lại kết cục đau xót cho nhiều gia đình. Mức án dành cho chị cáo cũng là nỗi đau nhân đôi đối với những người thân của người bị hại.