Chồng cuồng ghen nhốt vợ vào... chuồng chó

Thứ ba, 11/09/2012, 15:59
"Khom mình trong chiếc cũi ẩm thấp, chật chội cùng với mùi hôi của bầy chó, tôi khóc lóc, van xin thảm thiết nhưng anh ta vẫn tỉnh bơ, bỏ ngoài tai những lời cầu xin ấy"

Trong gần 10 năm chung sống cùng người chồng "lẻo mép nhưng... vũ phu", chị T.T.U, sinh năm 1972 (trú tại xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), đã phải chịu biết bao trận đòn thừa sống thiếu chết. Không những phải chịu nỗi đau về thể xác, chị còn bị người chồng tàn ác xúc phạm đến nhân phẩm một cách ghê gớm, khi nhốt chị vào trong lồng sắt cùng 7 con chó.

Nhốt vợ vào chuồng chó
 
Chị U. và Nguyễn Công Chính (SN 1967) vốn là người cùng làng nên chẳng lạ gì nhau. Chính là kẻ ham mê cờ bạc và có máu côn đồ. Trước khi đến với chị U., Chính đã từng có một đời vợ và đứa con trai sinh năm 1989. Một lần tình cờ ghé qua ngôi nhà tuềnh toàng của Chính, thấy bữa ăn của anh ta và cậu con trai chỉ có rau luộc, chị đã rớt nước mắt.

Chị nghĩ, cuộc sống của mình đã khốn khổ, không ngờ có người còn hoàn cảnh hơn. Hình ảnh 2 bố con Chính bên mâm cơm đạm bạc luôn ám ảnh chị. Thế là thương Chính cảnh "gà trống nuôi con", thi thoảng, chị lại lui tới săn sóc hai bố con. Thấy thế, người nhà can ngăn nhưng chị vẫn quyết tâm lập gia đình với Chính với ý nghĩ: "Có người yêu thương thì Chính sẽ hồi tâm chuyển ý". Trong khi đó, Chính luôn lẻo mép hứa: "Anh sẽ chí thú làm ăn, không ham chơi cờ bạc nữa".
 
Nhưng niềm vui "ngắn chẳng tày gang", lấy nhau về được một thời gian, Chính đã lộ nguyên hình là một kẻ chơi bời trác táng. Tiền mừng của đôi bên gia đình, Chính đều ném hết vào những trò đỏ đen. Thế là, có bao nhiêu vốn liếng của vợ chồng sau cưới, mà Chính dự định để "đầu tư làm ăn", đã "đội nón ra đi" chỉ trong vài ngày. Không những thế, những lần thua bạc về, Chính lại trút sự đen đùi của mình lên chị U.

Những trận đòn liên tục giáng vào tấm thân gầy, vốn đã sạm đi vì nắng gió và nỗi vất vả. Khi chị U mới sinh đứa con đầu lòng được mấy ngày, người chưa hết mệt mỏi, đau đớn sau cơn "vượt cạn", Chính chẳng những không chăm sóc chị U. mà còn đánh chị gãy cả tay vì tội "không làm thì lấy đâu tiền cho ông... tiếp bạn bè?".

 
 
Chị U. tại tòa 

Chị bảo, vết thương thể xác chị chịu đựng được, nhưng vết thương lòng thì khó mà quên được. "Có chết tôi cũng không thể quên được cái cảnh anh ta nhốt tôi vào cũi sắt cùng 7 con chó. Hôm đó, khi tôi đang ở nhà anh trai thì Chính sang tìm. Chưa hiểu nguyên do gì, nhưng nhìn thấy vẻ mặt hùng hổ của Chính, tôi linh tính có chuyện chẳng lành.

Nhìn thấy tôi, Chính không nói một câu nào mà đã đuổi đánh. Trong lúc chạy, tôi vấp ngã và bị Chính cầm gạch đập vào lưng, sau đó kéo hắn tôi về nhà, nhốt vào trong trong cũi sắt cùng với 7 con chó".

Nước mắt với giọng nghẹn ngào chát ứ ở cổ hòng, chị U. kể tiếp: "Khom mình trong chiếc cũi ẩm thấp, chật chội cùng với mùi hôi của bầy chó, tôi khóc lóc, van xin thảm thiết nhưng anh ta vẫn tỉnh bơ, bỏ ngoài tai những lời cầu xin ấy".

Sự việc chỉ được giải quyết khi chính quyền xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội ập đến bắt Chính đưa về trụ sở giải quyết. Nguyễn Công Chính bị khởi tố với 2 tội danh: "Cố ý gây thương tích" và "Làm nhục thân thể người khác", chịu hình phạt 18 tháng tù giam.

Tại tòa, Chính giải thích cho hành động man rợ của mình: "Sáng sớm hôm ấy, điện vào máy di động của vợ và nghe tiếng một người đàn ông trả lời, bị cáo rất tức giận. Trong cơn ghen, bị cáo không thể kiểm soát bản thân và đã nhốt vợ cùng đàn chó. Bị cáo chỉ muốn vợ cảm thấy nhục mà lần sau chừa cái thói bỏ nhà đi. Tất cả chỉ là dọa, bị cáo không biết mình đã phạm tội..."
 
Niềm an ủi

Sau khi Nguyễn Công Chính đi tù, chị U cùng con trai đã chuyển về sống tại nhà anh trai ở phố Nhổn, Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, chị hàng ngày phụ giúp anh trông coi cửa hàng bán đồ điện nước.

Hiện tại, chị đã ly dị với Nguyễn Công Chính, những tưởng ký ức đau khổ của chị sẽ mờ nhạt dần theo năm tháng, nhưng với chị U: "Những trận đòn của Chính năm xưa vẫn trở về với tôi trong những giấc mơ khiến tôi tỉnh giấc mà toát mồ hôi, thấy ướt lạnh ở sống lưng".

Chị U. tâm sự: "Những đêm như thế, tỉnh dậy giữa đêm, tôi thấy tủi hổ vô cùng. Ký ức của những trận bạo hành từ người chồng xưa ùa về khiến tôi không sao ngủ được. Nhìn đứa con trai nằm ngủ mà ứa nước mắt. Khi sự việc xảy ra, nó còn quá nhỏ nên chưa hiểu được chuyện.

Trước đây, thi thoảng, nó vẫn hỏi: Tại sao bố mẹ không ở cùng nhau như bố mẹ anh Đức?. Lúc ấy, tôi không biết trả lời ra sao. Bây giờ cháu nó cũng đã lớn nên hiểu được chuyện hơn, không khóc đòi bố nữa. Giờ đây, niềm an ủi của tôi chính là đứa con trai.

Cháu ngoan ngoãn, học khá nên mọi người trong nhà ai cũng quý. Ngày bố nó ra tù cũng có qua hỏi: Có về với bố không? Nhưng nó nhất định chỉ ở bên mẹ. Lúc ấy tôi thấy hạnh phúc và ấm áp lắm".

Chị U. cho biết: "Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của cháu là tôi lại quên đi tất cả quá khứ, lấy đó làm động lực để cố gắng làm việc nuôi cháu ăn học tử tế, nên người, bù đắp những tình cảm thiếu thốn từ người bố vô lương tâm".

 
Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn