Tranh cãi tính hợp pháp sừng tê bị mất của ông Trầm Bê

Thứ hai, 08/10/2012, 06:05
Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Ngân Hàng Sacombank cho biết, có đủ giấy tờ "hợp pháp"của chiếc sừng tê giác bị mất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đưa ra quan điểm "chỉ khi nào tìm thấy sừng mới có thể xác định được".

>> Cites chưa xác minh giấy tờ nhập khẩu tê giác 
>> Tê giác của ông Trầm Bê “được săn ở Nam Phi”
>> Điều tra vụ ông Trầm Bê mất sừng tê giác 
>> Bảo vệ báo mất sừng tê giác, chủ nhà im lặng ?

Thiệp mừng và giấy tờ nhập khẩu con tê giác trắng được cho
là hợp pháp của ông Trầm Bê.

Theo ông Trầm Bê, chiếc sừng bị mất là của con tê giác trắng đã xử lý thành thú nhồi bông được một người bạn ở quận 5 (TP HCM) tặng nhân dịp tân gia năm 2007. Do đó, việc sở hữu chiếc sừng tê giác (đã bị mất trộm) là hợp pháp bởi ông có đủ giấy tờ nhập khẩu như giấy kiểm dịch, hồ sơ nhập khẩu hải quan... và cả thiệp mừng tân gia của người tặng.

Hồ sơ cho thấy, bạn ông Trầm Bê đứng tên nhập khẩu kiện hàng chứa con tê giác trắng đã được xử lý làm khô. Chi cục Hải quan khu vực IV (Cục hải quan TP HCM, cảng IDC Phước Long I) có tờ khai mở ngày 24/10/2006 với nội dung "lô hàng chứa con tê giác hai sừng trọng lượng tổng cộng 885 ký (chân đế bằng cốt thép xi măng và nhựa composite), đã xử lý làm khô, không thích hợp làm thực phẩm". Các giấy tờ cũng thể hiện, xuất xứ món hàng là Nam Phi và có giấy phép kiểm dịch của nước này ngày 20/10/2006.

Trước đó, khi có thông tin công an huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang truy tìm chiếc sừng tê giác "nặng 4 kg, trị giá khoảng 4 tỷ đồng" của ông Trầm Bê bị trộm, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS, tổ chức phi chính phủ) đã có văn bản yêu cầu công an Việt Nam xác nhận tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác này.

Theo WCS, qua trao đổi với CITES Việt Nam (cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) cho thấy, ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi.

"Vì vậy chúng tôi cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp”, văn bản WCS nêu.
 

Dinh thự ở huyện Trà Cú, nơi bị mất sừng tê giác. Ảnh: Công an TP HCM
Dinh thự ở huyện Trà Cú (Trà Vinh), nơi bị mất sừng
tê giác. Ảnh: Công an TP HCM

Ngày 7/10, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc Cơ quan quản lý động vật hoang dã CITES Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sừng tê giác.

Việc nhập "chiến lợi phẩm săn bắn" này phải có giấy phép của CITES Nam Phi cho phép xuất, và giấy phép của CITES Việt Nam cho phép nhập. Tùy thuộc từng nhóm động vật và mục đích nhập khẩu của cá nhân mà CITES Việt Nam sẽ cấp phép hoặc không. "10 năm qua, lực lượng chức năng thu giữ trên 100 kg sừng tê giác bất hợp pháp vào Việt Nam", ông Tùng nói.

Liên quan đến việc ông Trầm Bê vừa công khai hồ sơ nhập khẩu con tê giác đã bị trộm mất sừng, ông Tùng khẳng định CITES Việt Nam chưa nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng xác định tính hợp pháp của con tê giác này.

CITES Việt Nam cũng chưa "mục sở thị" bộ hồ sơ con tê giác trắng được ông Trầm Bê cho là hợp pháp nên "không biết thế nào". Hàng năm, một số mẫu động vật để trưng bày cũng được cho nhập khẩu, song đều được gắn chip để tiện quản lý. Nếu sừng tê gíác này được tìm thấy thì tính hợp pháp hay không sẽ dễ dàng được xác định.

Tối 27/9, người nhà ông Trầm Bê (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh) báo mất chiếc sừng tê giác quý. Chiếc sừng được cho là có trọng lượng 4 kg và trị giá hơn 4 tỷ đồng, được cất giữ trong dinh thự bề thế luôn có 9 bảo vệ trông giữ.


Theo VNE

Các tin cũ hơn