Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức mới đây, việc đầu tư công kém hiệu quả cũng được các chuyên gia mổ xẻ kỹ. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, sau 3 năm Chính phủ chủ động đề ra chính sách chặn nợ công, đến nay mới giải quyết ở mức độ tình thế. Còn việc tạo nền tảng để chặn nợ công có hệ thống, lâu dài chưa rõ. “Nhìn lai tái cơ cấu đầu tư công, dù được đánh giá cấp thiết, nhưng vẫn đang giẫm chân tại chỗ”, ông Kiêm nói.
Theo các chuyên gia, tình trạng buông lỏng quản lý trên một phần do chính sách phân cấp đầu tư ở các địa phương. Cùng đó là tình trạng phê duyệt quy hoạch phát triển chưa gắn với nguồn lực thực tế; thiếu giám sát dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. “Lỗi hệ thống này” khiến việc đầu tư công hiệu quả thấp, gây ra các tác động tiêu cực cho công tác quản lý nợ công của nhiều địa phương.
|
Người dân TP Hưng Yên cho rằng, đường đang tốt, cớ sao phải đào lên xây lại tốn kém. |
Ví như tại Vĩnh Phúc, theo số liệu của Sở KH&ĐT tỉnh này, đến hết 31/12/2013 tổng nợ xây dựng cơ bản (XDCB) trên toàn tỉnh lên tới 4.509,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương nợ 26,3 tỷ đồng, cấp tỉnh nợ 2.161,3 tỷ đồng. Ở cấp huyện, các dự án đầu tư từ ngân sách nợ đọng tới 1.101,8 tỷ đồng, trong khi ngân sách cấp xã và các nguồn huy động hợp pháp khác cũng ghi sổ nợ tới 1.219,8 tỷ đồng.
Thống kê từ năm 2010-2013 của Bộ KH&ĐT cho thấy, bình quân mỗi năm có hơn 40% số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước không có báo cáo giám sát đánh giá. Năm 2013, 10 trên 123 đơn vị được phân cấp cấp phép và quản lý vốn đầu tư công (bộ ngành, tỉnh thành phố) không gửi báo cáo giám sát cho Bộ KH&ĐT.
Trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Tuấn-GĐ Sở KH&ĐT Hải Phòng cho biết, hằng năm đều có báo cáo dự án đầu tư công gửi về Bộ KH&ĐT. “Tuy nhiên, số dự án phải báo cáo giám sát rất nhiều, nên chỉ những dự án lớn, tập trung mới làm. Những dự án nhỏ (dự án vốn chỉ vài trăm triệu đồng) ở cấp huyện, xã nhiều khi liệt kê chưa đầy đủ, báo cáo chưa hết”, ông Tuấn nói. Ngoài ra, theo ông Tuấn, ở cấp huyện, xã thống kê chưa hết, quản lý không bài bản; hệ thống sổ sách, máy tính chưa chuẩn, nên có thể thiếu.
Ông Đặng Xuân Trường, GĐ Sở KH&ĐT Thái Nguyên cho biết, tại địa phương cũng có tình trạng chủ đầu tư, dự án không báo cáo giám sát định kỳ, khi có yêu cầu mới thực hiện. Tuy nhiên, ông này nói lý do: Có thể do chủ đầu tư phải thực hiện nhiều báo cáo, biểu mẫu báo cáo dài nên...ngại; có dự án không thay đổi so với lần báo cáo trước (như dự án đình hoãn, không được bố trí vốn) cũng không báo cáo… “Việc thiếu báo cáo sẽ khiến đầu tư công kém hiệu quả”, ông Trường nói.
Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Giám sát và Thẩm định Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho hay, hiện quy định về giám sát dự án đầu tư công có đầy đủ. Thậm chí, ông Tự cho biết, hằng năm Bộ đều có văn bản đề xuất Chính phủ chỉ đạo bộ ngành, địa phương kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư (không báo cáo). “Tuy nhiên, tình hình vẫn không có nhiều cải thiện”, ông Tự nói. Theo đó, hiện việc cấp phép và giám sát đầu tư công đã phân cấp về địa phương, đơn vị nào không thực hiện phải tự chịu trách nhiệm.
Ông Tự cho biết, thiếu báo cáo giám sát các dự án đầu tư công cho thấy việc đầu tư kém hiệu quả, người phê duyệt cũng không biết dự án được thực hiện thế nào. “Nhiều dự án không báo cáo, các cơ quan quản lý không biết thế nào, nhưng vẫn cấp vốn thực hiện bình thường, đáng lo ngại”, ông Tự nói. Thậm chí, theo ông Tự, có dự án thực hiện 10 năm vẫn chưa xong, tiền cấp hằng năm chỉ đủ để nuôi bộ máy. Về khả năng có sự mập mờ, lợi ích trong việc “trốn” báo cáo giám sát, ông Tự cho rằng: “Nhóm lợi ích tôi chưa nghĩ tới, phải thanh kiểm tra mới biết. Nhưng rõ ràng việc không nắm được thông tin dự án sẽ ảnh hưởng tới điều hành, quản lý dự án của tất cả các cấp.
Ông Nguyễn Xuân Tự cũng cho biết thêm, hiện chưa có biện pháp hiệu quả xử lý việc không báo cáo giám sát. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đang soạn thảo Nghị định về giám sát đánh giá đầu tư công để có chế tài cao hơn, bắt buộc chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh hơn. “Dù sửa quy định thế nào vẫn phụ thuộc người thực hiện. Nếu người chịu trách nhiệm quản lý thực hiện nghiêm thì mọi sự tốt và ngược lại”, ông Tự nói.
Hiện, Bộ KH&ĐT đang thiết lập hệ thống báo cáo giám sát đánh giá dự án sử dụng vốn đầu tư công qua mạng internet. Dự án tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào năm 2015. Nếu thành công, hệ thống trước mắt sẽ giám sát được khoảng 10.000/40.000 dự án đầu tư công đang thực hiện.
“Quy trình đầu tư công hiện không có sự giám định độc lập, không có hội đồng khoa học mà thường tay phải dựa vào tay trái. Tức là, tôi nhường ông cái này, ông nhường tôi cái kia; thậm chí còn được lại quả... Tôi nghĩ đầu tư công phải có đề án tái cơ cấu nghiêm chỉnh; nếu không rất nguy hiểm. Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh mới đây nói đã nhận rõ việc này, nhưng đó chỉ là phần nổi. Phần chìm cần giải quyết đang rất nghiêm trọng. Kỳ họp tới, Quốc hội cần thảo luận và đưa ra một đề án cũng như Nghị quyết về đầu tư công”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.
Theo Tiền Phong