Chỉ có đàn trâu là thích thú với những khu đô thị kiểu này. |
Khu biệt thự triệu đô để... chăn trâu
10 năm nay, Hà Nội như đại công trường xây dựng bất động sản lớn nhất nước. Hàng chục khu đô thị mọc lên một cách dở dang và thiếu kiểm soát. PV đi khảo sát một số khu đô thị để chứng kiến sự hoang vắng, lãng phí nơi đây.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến khu đô thị “mới” Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) gần 20km về phía tây. Với quy mô 288,8 ha, khu đô thị Nam An Khánh do Cty CP Đầu tư và phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư từng được ví như thiên đường cuộc sống, với “nơi mặt nước giao hòa cùng màu xanh cây cỏ”.
Tuy nhiên, khi vượt qua con đường cao tốc Đại lộ Thăng Long và một phần của đường Lê Trọng Tấn kéo dài, PV phải băng qua đủ các loại ổ gà, ổ voi trên đoạn đường dài gần một km để vào khu đô thị này - một nơi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Qua chốt bảo vệ, đập ngay trước mắt là đàn trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ trước những biệt thự xây thô. Càng đi sâu vào trong, không khí như âm u, lạnh lẽo, không một bóng người. Cả khu đô thị nham nhở vì đang xây dở. Thế mà, vào thời kỳ sốt đất năm 2010, giá mỗi m2 căn biệt thự lên đến 80 triệu đồng (chênh gấp đôi so với giá gốc).
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 40 khu đô thị mới đã xong các công trình nhà ở (trong đó có hơn 10 khu đã hoàn thành hệ thống hạ tầng và dân cư đã đến sinh sống) và khoảng 50 khu đô thị đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Có hàng nghìn căn biệt thự xây thô bỏ hoang ở các khu đô thị lớn như: Trung Văn (Nam Từ Liêm), Văn Quán (Hà Đông), Văn Khê (Hà Đông), Pháp Vân (Hoàng Mai)... |
PV phải xắn quần, lội qua vũng nước và thảm cỏ cao gần 1m trước cổng căn biệt thự. Vừa bước vào trong, mùi xú uế không thể tả nổi bốc lên. Căn biệt thự rộng chừng hơn 200m2 đã hoàn thiện phần thô, không cửa, không trát xi măng.
Nếu cách đây 5 năm, căn này có giá hơn 10 tỷ đồng. Từng mảng tường ngấm nước và phủ kín rêu phong sau nhiều năm phơi mưa, phơi nắng. Giờ, thì nó trông giống như một chuồng nuôi động vật, nước từ trần nhà nhỏ xuống lõm cả nền xi măng.
Trên huyện Hoài Đức, cảnh khu đô thị bỏ hoang này dễ dàng tìm thấy tại khu đô thị như: Thiên Đường Bảo Sơn, Geleximco...
Khác với khu đô thị Nam An Khánh chưa đưa vào sử dụng, Khu đô thị Lideco (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Cty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, khu biệt thự vẫn trong cảnh hoang vắng vì ít người dọn về ở. Những bức tường trơ xi măng phủ đầy nấm mốc. Biệt thự xây xong, không người ở, cỏ, cây dại mọc kín nhà.
Một người dân sống cạnh khu biệt thự cho biết, hầu hết các căn đã có chủ, giá không dưới 20 triệu đồng/m2. Hiện mỗi căn biệt thự khoảng 200m2 được rao giá từ 4 tỷ trở lên, gấp 2 - 3 lần so với giá gốc.
“Biệt thự ở đây qua tay nhiều chủ nên việc mua bán rất khó. Qua vài cơn sốt đất, nhiều chủ nhân không muốn bán nên bị bỏ hoang nhiều năm nay”, vị này nói.
Dự án Lideco được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007 và dự kiến hoàn thiện từ năm 2013 với hơn 600 căn kiểu Pháp. Nhưng đến cuối năm 2013 mới có hơn 400 căn biệt thự tại đây được bàn giao cho khách hàng.
Cận cảnh một phòng khách trong biệt thự bỏ hoang |
Đùn đẩy trách nhiệm
Lý giải về việc dự án chậm tiến độ, bỏ hoang nhiều năm tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), ông Nguyễn Trung-Phó phòng Tổ chức hành chính Sudico (chủ đầu tư dự án) cho biết: “Việc hoàn thiện các căn biệt thự còn phụ thuộc vào nhà đầu tư thứ cấp. Hiện chúng tôi đang cố gắng tìm đối tác ngân hàng để tiến hành triển khai tiếp dự án”, ông Trung nói.
Còn một lãnh đạo Cty Lideco xin giấu tên nói: “Chúng tôi bán hết các căn biệt thự trong khu đô thị. Việc hoàn thiện và dọn về ở phụ thuộc vào khách hàng. Hiện nay nhiều biệt thự bỏ hoang chủ yếu do dân đầu cơ găm hàng chờ lên giá. Chúng tôi không thể can thiệp. Còn nhiều khách hàng chờ nhà nước hoàn thiện đường sắt trên cao sẽ dọn vào ở. Dù ít khách vào ở, nhưng chúng tôi vẫn có ban quản lý để đảm bảo an ninh cho khu đô thị”.
Ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ chỉ quản lý một đô thị trung tâm là Hà Nội và 5 đô thị vệ tinh. Cục kiểm soát quá trình đô thị hóa, môi trường sống trong khu đô thị, xử lý về nước thải... và sự hình thành quá trình phát triển khu đô thị ra sao.
“Chúng tôi không đi sâu vào các dự án cụ thể. Cái này phải hỏi Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản. Sự phát triển các khu đô thị mới chủ yếu là bên đó quản lý”, ông Chiến nói.
Tuy nhiên khi trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), vị này nói: “Chúng tôi không nắm được phải hỏi Cục Phát triển Đô thị”.
Theo Tiền Phong