Xây căn hộ "giá rẻ bán cho công nhân": Doanh nghiệp kêu khó

Thứ tư, 08/02/2017, 09:42
Theo các doanh nghiệp, căn hộ bán cho công nhân phải có giá thấp nhất là từ 150 triệu đồng trở lên và phải được hưởng nhiều chính sách ưu đãi

Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề nghị doanh nghiệp (DN) đang khai thác KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và KCN Linh Trung (quận Thủ Đức) thí điểm xây dựng cụm dân cư bán với giá 100 triệu đồng cho công nhân (CN). Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, kêu gọi nhiều DN, chủ đầu tư tham gia hiến kế, đề xuất ý tưởng nhằm thực hiện được mô hình nhà giá rẻ phục vụ CN. Trách nhiệm của Sở Xây dựng TP luôn đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện tối đa khi DN tham gia đầu tư nhà giá rẻ cho CN.

Tính khả thi thấp

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, cho rằng không thể nào xây dựng được căn hộ với giá nói trên.

Hiện tại, giá vật tư và giá nhân công đã tăng cao. Đối với KCN Hiệp Phước có nền đất rất yếu phải làm nền móng với độ sâu của cọc là 30 m, như vậy phải có giá 180 triệu đồng/căn. Riêng KCN Linh Trung nền đất cứng hơn những cũng phải từ 150 triệu đồng/căn trở lên.

“Để xây dựng và bán giá thấp, rất ít DN mặn mà thực hiện vì khả năng thu hồi vốn hoặc thậm chí nguy cơ lỗ vốn đầu tư” - ông Nghĩa phân tích.

Còn về việc xây dựng nhà cho CN giá 300-500 triệu đồng, ông Nghĩa khẳng định có thể làm được ở 2 vị trí gồm khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức - tỉnh Bình Dương và vùng Nông trường Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) vì nơi đây còn quỹ đất công diện tích lớn và dân nhập cư nhiều.

Chung cư Thủ Thiêm Sky (quận 2, TP HCM) là một trong những công trình thuộc dự án nhà ở xã hội phục vụ cho người có thu nhập thấp Ảnh

“Tuy nhiên, nhà nước phải một phần nào đó hỗ trợ về cơ sở hạ tầng. Phải tính toán rằng đường thông, hè thoáng và thuận lợi cho việc đi lại thì người dân mới ở được” - ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Anh, chuyên gia dự báo bất động sản, đánh giá Bình Dương có đặc thù mật độ dân cư không dày và không co cụm như ở TP.HCM. Nếu thuận theo lợi ích trước mắt, cố gắng xây dựng nhà giá 100 triệu đồng co cụm dễ gây ra hiện tượng khu ổ chuột. “Hôm nay, có 1.000 dân ở nhưng 10 năm sau, con số này sẽ lên 10.000 dân và gây ra hậu quả phát sinh ô nhiễm, tệ nạn, chất lượng sống xuống cấp nghiêm trọng” - ông Anh nói.

Ông Anh đưa ra 2 trường hợp: Nếu bán nhà giá 100 triệu đồng/căn, phần việc của DN chỉ là mua vật tư đào móng xây trên mảnh đất công của nhà nước và nơi đó đã có các công trình hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Còn việc xây được nhà từ 300-500 triệu đồng thì DN phải “choàng” thêm chuyện làm giao thông, công trình xã hội.

Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân (đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội - NƠXH), cho rằng hiện chính sách xây dựng NƠXH ở các tỉnh, thành khác rất đơn giản và thủ tục nhanh hơn so với TP.HCM. Theo đó, ở Khánh Hòa, Tây Ninh chỉ mất vài ngày và thậm chí vài cuộc điện thoại là giấy tờ đã xong. Riêng TP.HCM có dự án mất 2-3 năm chỉ hoàn tất thủ tục ban đầu. Điều này khiến nhiều DN không muốn thực hiện hoặc chẳng mặn mà đầu tư NƠXH.

Chọn cách làm nào?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết quỹ đất công ở TP.HCM hiện nay không còn nhiều, chỉ có ở các nông trường, nhà xưởng vùng xa, ven TP. Vì vậy, muốn thực hiện được thì phải có sự quyết tâm của lãnh đạo TP cũng như sự hợp tác tích cực của các DN. Nếu không sẽ khó phát triển bền vững vì chỉ phát triển vài dự án là đã hết quỹ đất của TP. Mức phổ biến NƠXH có thể hợp tác với các DN, theo ông Châu, là phải từ 300-400 triệu đồng.

Ông Châu gợi ý khu vực đất cao su huyện Củ Chi và Nông trường Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) là 2 khu vực thuận lợi cho quá trình hình thành cụm dân cư với nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, trước khi xây dựng, chính quyền phải đầu tư đường kết nối giao thông cho công trình.

“Chúng tôi đã kiến nghị đến UBND TP.HCM nên kéo dài tuyến metro từ An Sương đến huyện Củ Chi để tạo điều kiện phát triển đồng bộ. Nếu hình thành được tuyến đường này chắc chắn NƠXH giá rẻ huyện Củ Chi sẽ thành công” - ông Châu nói.

Trước nhu cầu nhà ở của CN, một DN thuộc Hiệp hội BĐS đã nảy ra hình thức kinh doanh rất hữu ích. Cụ thể, thay vì bán hẳn cho CN thì đơn vị này cho thuê 49 năm với giá 350 triệu đồng hoặc thuê ngắn hạn với giá thành 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. “Đây là cách làm hay nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cần nhà ở với điều kiện túi tiền không bảo đảm. Người thuê nhà 49 năm có thể chuyển nhượng hợp đồng hoặc bỏ tiền sở hữu khi kinh tế khá giả” - ông Châu bày tỏ.

Ông Trần Trọng Tuấn cho biết sở sẽ bảo đảm ổn định về mặt chính sách cho những dự án NƠXH và nhà giá rẻ. Tuy nhiên, phải rà soát kỹ các khu vực đầu tư nhà giá rẻ có bảo đảm hệ số quy hoạch hay không. Nếu khu vực đó đông dân cư mà đầu tư thêm hàng trăm, hàng ngàn căn hộ giá rẻ là không được.

Xã hội hóa là chính!

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện cả nước có 344 KCN, KCX với 2,7 triệu CN lao động. Trong đó có 1,2 triệu CN có nhu cầu về nhà ở nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được từ 5%-10% nhu cầu, số còn lại phải thuê các nhà trọ điều kiện không bảo đảm.

Để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên và người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai xây dựng Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn (CĐ) tại các KCN-KCX. Đề án đặt mục tiêu từ năm 2016-2017 sẽ hoàn thành 10 thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX; từ năm 2017-2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế; đến năm 2030 phấn đấu tất cả KCN-KCX trên cả nước đều có thiết chế của CĐ.

“Việc xây dựng này do tổ chức CĐ đứng ra thực hiện với phương thức xã hội hóa là chính. Đề án sau khi hoàn thành đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xin ý kiến 6 bộ, ngành liên quan và đều được ủng hộ” - ông Cường nói.

Ông Cường cho biết đơn vị xây dựng các thiết chế cho người lao động sẽ được hưởng những ưu đãi chính sách về đất đai, thuế; tiết giảm tối đa các chi phí xây dựng nên nhà ở cho CN sẽ rất rẻ. Chẳng hạn với nhà ở cho CN, có những căn hộ sẽ được thiết kế vừa phải, từ 30-50 m2; có thể có mức giá từ 3-5 triệu đồng/m2; như vậy chỉ cần chưa đến 100 triệu đồng đã có thể mua được 1 căn hộ 30 m2 để ở ổn định, lâu dài. Trong khu nhà ở đó có siêu thị, trường học, phòng khám y tế phục vụ đầy đủ.

“Chúng tôi cũng sẽ đàm phán với các tập đoàn bán lẻ, đơn vị viễn thông, giao thông vận tải, DN có chính sách ưu đãi cho đoàn viên CĐ, mang lại nhiều hơn các lợi ích thiết thân cho đoàn viên CĐ. Và trước mắt, chúng tôi đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 đối tác là các tập đoàn, DN lớn” - ông Cường nói.

Ông Trịnh Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, khẳng định hiện nay, các cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng NƠXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và CN lao động tại các KCN đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ.Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, CN lao động là một trong 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH đã quy định cụ thể về nguyên tắc xác định quỹ đất để phát triển NƠXH đối với các KCN; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích NƠXH; cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho CN ở KCN.

Theo ông Sơn, chủ đầu tư dự án là DN, HTX sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng công trình kinh doanh thương mại nhằm góp phần bù đắp chi phí đầu tư và lợi nhuận của dự án; chủ đầu tư được miễn, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập DN và được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định; được UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Ông Trần Quốc Trung, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng ban đầu có thể lựa chọn 2-3 địa phương để thực hiện thí điểm trước khi triển khai rộng rãi. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, phạm vi được phép sử dụng nguồn vốn của tổ chức CĐ chỉ được sử dụng trong một số mục đích nhất định. Do đó, để thực hiện đề án cần đa dạng hóa nguồn vốn, tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư xây dựng.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích