Kinh tế tăng trưởng cao, bất động sản thành "ngư ông đắc lợi"

Thứ tư, 08/02/2017, 13:45
Trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn cầu là 3,5%/năm thì các nền kinh tế trong khối ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5%/năm và Việt Nam trên 6%. Nhờ tốc độ tăng trưởng "chóng mặt", bất động sản đang hưởng lợi lớn vì "hút" nhà đầu tư ngoại.

Các nhà đầu tư tiếp tục bày tỏ sự quan tâm với thị trường bất động sản thương mại Việt Nam trong năm 2017 nhờ tốc độ tăng trưởng "đáng nể" của Việt Nam cũng như nền tảng kinh tế vĩ mô trong khu vực được hỗ trợ lâu dài và môi trường lãi suất thấp.

Đã xuất hiện nhiều lo ngại thị trường bất động sản sẽ "tụt dốc" không phanh kể từ năm 2017 sau giai đoạn phát triển "nóng" 2014 - 2016. Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 của CBRE, mặc dù khó khăn nhưng nhu cầu đầu tư vào thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam vẫn tăng lên đáng kể.

Năm 2017, bất động sản vẫn hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo CBRE, các nhà đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ sáng tạo hơn khi hoạch định chiến lược đầu tư trong năm nay để đạt được lợi nhuận mục tiêu. Các chiến lược tiềm năng được các nhà đầu tư áp dụng bao gồm gia tăng giá trị bằng cách tái định vị tài sản hay nâng tầm tài sản hiện hữu với các tiện nghi và dịch vụ phục vụ cuộc sống.

“Các nhà đầu tư vẫn lạc quan và sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong thị trường bất động sản, nhất là các nhà đầu tư tổ chức châu Á muốn gia tăng sự hiện diện của họ trong lĩnh vực này”, TS Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận định.

Ông Henry Chin cho rằng, các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ tìm kiếm cơ hội bên ngoài các thành phố cửa ngõ như Hàng Châu và Thành Đô của Trung Quốc, hay Osaka, Nagoya và Fukuoka của Nhật Bản... Mặc khác, những lo ngại về cơ sở hạ tầng và giao thông khiến các khách thuê cẩn trọng khi lựa chọn gắn kết với không gian tại những địa điểm ngoài trung tâm tại các thị trường mới nổi của châu Á như Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Theo CBRE, triển vọng nguồn vốn đầu tư năm 2017 mạnh hay nhẹ thuộc về tầm nhìn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Dự báo, các nhà đầu tư Nhật sẽ gia tăng "rót vốn" vào các thị trường bất động sản nước ngoài chứ không phải nhà đầu tư Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu "gom đất" vẫn được duy trì ở toàn cầu nhưng nhà đầu tư Trung Quốc đang gặp khó vì chính sách thắt chặt dòng vốn.

Nghiên cứu mới của công ty tư vấn Bất động sản JLL cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng bất động sản tại Việt Nam "sáng" nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn cầu là 3,5%/năm thì các nền kinh tế trong khối ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5%/năm và Việt Nam trên 6% nên thu hút các nhà đầu tư ngoại.

JLL cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng bất động sản tại Việt Nam "sáng" nhất khu vực Đông Nam Á

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tại Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục với 15,8 tỷ USD trong năm 2016 , trong đó FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2016.

Theo số liệu của JLL, Việt Nam là một thị trường đầu tư bất động sản đầy tiềm năng trong phân khúc văn phòng, nhà ở và bán lẻ. Công suất thuê của các tòa nhà văn phòng hạng A ở TP.HCM đã vượt hơn 95% trong Q4/2016, trong khi công suất thuê tại phân khúc bán lẻ ở khu vực trung tâm đạt hơn 92% so với cùng kỳ. Trong phân khúc nhà ở, số lượng căn hộ mới được chào bán đã tăng 46% từ năm 2015 đến năm 2016.

“Lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã nhận được “cú hích” kể từ năm 2015, thúc đẩy một phần bởi những cải cách gần đây của Chính phủ như các quy định tài chính mạnh hơn đối với các chủ đầu tư bất động sản và nới lỏng các chính sách về đầu tư nước ngoài ", ông Chris Fossick, Giám đốc điều hành JLL Singapore và Đông Nam Á nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn