Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi từ cuối năm 2013 và tiếp tục tăng trưởng cho đến nay. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp trước hết là do các doanh nghiệp đã tự cứu mình.
Những doanh nghiệp BĐS thông qua hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, dừng, giảm, giãn tiến độ triển khai dự án, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp nhu cầu và sức mua của thị trường; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; mở rộng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A)... đã giúp thị trường BĐS "qua cơn mê" và phục hồi tốt.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường BĐS năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng có thể chững lại so với năm 2016. Dự báo thị trường BĐS đến năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc BĐS cao cấp.
Năm 2017, sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị. Điển hình là Tập đoàn Vingroup vừa công bố kế hoạch phát triển 200.000 - 300.000 căn nhà có giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn trong 5 năm tới...
Năm 2017, sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người |
Mặc dù tin tưởng "bong bóng" BĐS khó có khả năng "ngóc đầu" trong năm 2017 nhưng Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã cảnh báo 5 vấn đề được coi là "điểm nghẽn" mà nếu không giải quyết được thì thị trường BĐS sẽ "tụt dốc".
"Điểm nghẽn" lớn nhất chính là việc giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn dẫn đến tình trạng dự án da beo, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. Hiện nay, TP.HCM có đến 500 dự án ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án BĐS chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Kế đến là "điểm nghẽn" thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1, từ trên 20 tầng...
"Điểm nghẽn" chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn; lãi suất cho vay vẫn còn cao; thiếu nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội.
"Chính sách chuyển nhượng dự án BĐS cũng được cho là "điểm nghẽn", là trở lực của sự phát triển nên chưa giải quyết được tình trạng khoảng 500 dự án trên địa bàn thành phố đang bị ngưng triển khai hiện nay. Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho. "Điểm nghẽn" thứ 5 là tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho" hết sức phức tạp, nhiêu khê", ông Lê Hoàng Châu nói.
Theo Dân Trí