Địa ốc 2017: “Cơn điên” đất nền và thị trường vết dầu loang

Thứ tư, 08/02/2017, 12:37
Sau một năm đột biến của đất nền với tỷ lệ hấp thụ ấn tượng, các “thế lực” tiếp tục bung hàng khủng, hàng loạt đại gia cũng hăm hở “tham chiến” vào phân khúc màu mỡ này. Đất nền sẽ sục sôi trong năm 2017 và kéo theo sự giãn nở của thị trường địa ốc khi quỹ đất khan hiếm.

Nhiều siêu đô thị đang thành hình theo cơn sốt đất nền

Đủ mặt anh tài

Bước sang năm 2017, đất nền trở thành chiến lược phát triển mới của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc tên tuổi. Chẳng hạn Novaland phát triển 2 dự án khu đô thị ở phía Đông là Habor City rộng 60ha với 1.300 căn biệt thự, Water Bay rộng hơn 30ha nằm trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) sắp được tung ra thị trường.

Nhiều doanh nghiệp BĐS khác cũng đang lao vào phân khúc đất nền như Công ty Tài Nguyên tung ra khoảng 1.000 biệt thự dự án EverGreen ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), Tiến Phước đang phát triển dự án hơn 50ha ở Quận 9, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) cũng sẽ triển khai 1 khu đô thị ở Phú Mỹ Hưng trong năm nay; Một số dự án khác của Kiến Á, Phú Long, Hưng Lộc Phát sắp được triển khai.

Trước đó, những “thế lực” cũ đã thành công vang dội với hàng loạt đại dự án đất nền. Đơn cử như Khu đô thị Long Hưng ở Đồng Nai do Dona Co.op hợp tác với các quỹ ngoại phát triển. Cát Tường Phú Sinh tại Long An 5 đợt mở bán, tiêu thụ hàng nghìn sản phẩm. Hay Kim Oanh với Rich Land City và Biên Hòa River Side, mỗi dự án tiêu thụ hết vài trăm nền đất chỉ trong lễ mở bán.

“Ông lớn” này vừa công bố kế hoạch bung đến 11 nghìn sản phẩm đất nền và nhà phố tại Đồng Nai, Bình Dương. Đặc biệt là dự án đất nền có diện tích lên đến 93ha tại quận 9 sẽ là dự án đánh dấu tham vọng tiến về thị trường TP.HCM của doanh nghiệp này.

Đánh giá của chuyên gia Phan Công Chánh cho thấy, trong năm 2017 thị trường đất nền sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh khá gay gắt giữa các "ông lớn" như Khang Điền, Hưng Thịnh Land, Novaland và sắp tới là Him Lam Land với một dự án khu đô thị rộng hơn 150ha tại quận 9 và dự án đất nền Him Lam Đông Nam có 600 nền tại quận Thủ Đức.

Thúc đẩy “vết dầu loang”

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Eximrs, đơn vị phân phối khu đô thị Long Hưng cho biết, sự hấp thụ của đất nền tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm, dự án đã tiêu thụ gần 1.000 nền. Số lượng người mua sỉ vài chục nền một lúc cũng không hiếm. Trong hai ngày sau Tết, hàng chục nền đất được bán hết vèo. “Đất nền đang có hấp lực tốt, việc các doanh nghiệp đầu tư phân khúc này là đương nhiên. Tuy nhiên, vị thế cạnh tranh chỉ thuộc về những dự án có hạ tầng kết nối tốt và bắt được xu hướng giãn dân TP.HCM” - bà nói.

Đất nền đang tạo hấp lực lớn đối với nhà đầu tư và người mua ở

Theo ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng giám đốc công ty Địa ốc Cát Tường Đức Hoà, hiện nay, có 3 yếu tố thúc đẩy phân khúc đất nền tăng trưởng. Thứ nhất, đó là nhu cầu thực của khách hàng khi mua đất cất nhà an cư lâu dài. Thứ hai, các doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh vào các KCN vùng ven, cần một lực lượng công nhân và chuyên gia lớn... điều này cũng phát sinh nhu cầu lớn về nhà ở. Thứ ba, tâm lý nhiều khách hàng muốn mua sở hữu đất, nhà phố hơn là chung cư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm “ăn nên làm ra” của phân khúc đất nền. Trong bối cảnh quỹ đất trung tâm khan hiếm, giá đất một số quận huyện trọng điểm phát triển đất nền ở TP.HCM như: quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè... đã tăng mạnh từ 20 - 50% trong thời gian qua. Do đó, nguồn cung phân khúc này sẽ phải dịch chuyển khu vực hoạt động, vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong vùng đô thị TP.HCM để hướng về khu vực giáp ranh thành phố.

“Ở những khu vực đó, nhà đất có giá cả hợp lý, hạ tầng hoàn thiện, pháp lý rõ ràng, mang lại sự lựa chọn phù hợp hơn cho nhà đầu tư và người mua thực có nguồn vốn hạn chế”, ông Châu nói. Theo nhận định của ông, từ năm 2020 - 2050, đồ án quy hoạch vùng TP.HCM sẽ bao gồm 8 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và TP.HCM là hạt nhân.

Những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như các tuyến vành đai và đường xuyên tâm kết nối từ trung tâm thành phố tới các tuyến quốc lộ, cũng như những tuyến kết nối giữa các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành. Nếu xét theo quy luật hạ tầng phát triển đến đâu, BĐS đi theo đến đó, trong tương lai, nhà đất ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn