Đó là nhận định của luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm khi nói về vụ Thanh tra Chính phủ đề xuất thu hồi để đấu giá khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM).
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, quản lý tài sản công đặc biệt là đất công luôn là một vấn đề gây ra nhiều quan điểm trái chiều. Hiện nay đa số những mảnh đất mà Nhà nước đang quản lý đều có vị trí đắc địa, hay thường gọi là “đất vàng”, chính vì thế không khó hiểu khi xảy ra nhiều “khuất tất” trong quá trình chuyển giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân thuê. Khu đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM cũng đang được dư luận quan tâm bởi sự khó hiểu trong việc giao, bán cho doanh nghiệp.
Vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn, TP.HCM: Khuất tất rất rõ ràng |
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã được UBND TP.HCM xác lập sở hữu nhà nước từ năm 1994. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM được giao nhiệm vụ quản lý, cho bốn công ty thuộc Bộ Công Thương thuê để làm trụ sở.
Sau khi có chủ trương chuyển nhượng phần diện tích đất công này cho các doanh nghiệp tư nhân thì mặc dù không đủ điều kiện, cũng không thông qua việc đấu thầu, phần diện tích đất vàng này lại “rơi” vào tay Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue là pháp nhân mới thành lập gồm các cổ đông: Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà góp 20%, tướng ứng 155 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Kido góp 50%, tương ứng 387,5 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm góp 30%, tương ứng 232,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển giao này là không phù hợp cả về quy định pháp luật và chủ trương của UBND TP.HCM, cụ thể:
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do đó khi tiến hành chuyển giao thì cần phải tuân theo quy định về quản lý tài sản công, cụ thể: theo quy định tại Điều 7, Quyết định 09/2007/QĐ-Ttg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, thuộc sở hữu nhà nước (văn bản này hết hiệu lực ngày 01/01/2018) thì “Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng đất của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 5, khoản 3 Điều 6 quyết định này được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá”.
Như vậy, trên nguyên tắc việc chuyển nhượng đất công phải thông qua hình thức bán đấu giá, chỉ được chỉ định bán, chuyển nhượng nếu thuộc trường hợp: “Chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hoá thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao”.
Đối chiếu vào quy định nêu trên thì rõ ràng khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn không thuộc vào trường hợp chỉ định chuyển nhượng, thế nhưng Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue lại nhận chuyển nhượng thông qua hình thức chỉ định này. Đây là một dấu hiệu “khuất tất rất rõ ràng” mà ai cũng nhận thấy.
Ngoài ra, chủ trương ban đầu của TP.HCM thể hiện tại Thông báo 826 ngày 20/11/2007 của UBND TP là phải “tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn, không áp dụng hình thức liên doanh liên kết”. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì thực tiễn triển khai đã sai lệch toàn bộ chủ trương nêu trên khi khu đất vàng lại được giao cho doanh nghiệp hình thành do liên doanh, liên kết. Đồng thời, theo Thanh tra chính phủ thì cả hai đơn vị này đều không nhiều kinh nghiệm phát triển các dự án bất động sản thương mại, dịch vụ.
Như vậy, việc chuyển nhượng đất này không chỉ sai về quy định pháp luật mà còn không phù hợp với chủ trương do UBND TP.HCM đề ra.
Hiện nay, từ những sai phạm nêu trên thì cần thu hồi toàn bộ (4.896m2) để đấu giá theo quy định là phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có sự điều tra, xác minh để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia quá trình chuyển nhượng khu đất vàng này. Nếu phát hiện sai phạm, thì tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Dân Trí