Gia đình bà Nguyễn Thị Nhung có 600m2 đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư tại tổ 41, ấp 4, phường An Lợi Đông, quận 2 (TP.HCM), bị thu hồi để thực hiện dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm. Giai đoạn đó, giá đất thổ cư bồi thường là 18 triệu đồng/m2. Trước khi bị giải tỏa, vườn đu đủ trên khu đất nhà bà Nhung nuôi sống cả nhà 3 thế hệ và nhiều con cháu đã ăn học thành tài. Sau khi có quyết định giải tỏa với giá đất ở bèo bọt bằng 3 tô phở, bà Nhung nhiều lần khiếu nại nhưng không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng.
“Sau khi được bố trí một căn hộ tái định cư và vài trăm triệu đồng, cả nhà tôi gần 10 người phải đi thuê nhà ở vì căn hộ chung cư quá chật chội. Con cháu thì tản mát đi làm thuê. Tôi do tuổi cao nên không có việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Ông bà mình nói đời người trước khi chết cũng phải có “miếng đất cắm dùi” còn gia đình tôi thì đang có đất thành ra tay trắng”- bà Nhung buồn rầu nói.
Bà Nhung cho biết, sau khi dự buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH TP.HCM ngày 9.5, bà mong muốn những lãnh đạo cấp cao hơn ở Trung ương sẽ nghe thấy nỗi lòng người dân. Chỉ có như vậy mới giúp người dân Thủ Thiêm có được sự minh bạch, công bằng sau hàng chục năm chịu cảnh uất ức tủi nhục và sống khổ sở ngay trên mảnh đất của mình.
Bà Nguyễn Thị Nhung. |
Anh Nguyễn Văn Luyện – 40 tuổi, phường An Khánh, quận 2 thì cho biết, năm 2000 anh có mua lại căn nhà 56,8m2 tại số 25/14A, tổ 51, khu phố 4, phường An Khánh, quận 2 với giá 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm, cho rằng anh mua nhà bằng giấy tay và không có xác nhận của cơ quan Nhà nước nên chính quyền xác định nhà nằm trên đất nông nghiệp và đất lấn rạch nên chỉ được bồi thường phần đất nông nghiệp san lấp diện tích 18,97m2 (mức giá 200.000 đồng/m2), không bồi thường nhà và không đủ điều kiện được mua căn hộ chung cư tái định cư. Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” sau nhiều năm tha phương cầu thực tại Sài Gòn của gia đình anh bỗng chốc tan thành mây khói và cả nhà 4 người phải ra đường sống lây lất trong khu tạm cư để chờ chính quyền giải quyết khiếu nại.
“Tôi mong chính quyền có cái nhìn thấu đáo cảm thông cho những hoàn cảnh như tôi một con đường sáng, vì xét cho cùng thì chúng tôi cũng đóng góp sức mình cho sự phát triển của thành phố hàng chục năm nay”- anh Luyện nói.
Anh Luyện gửi lời đề nghị đoàn ĐBQH TP.HCM báo cáo với Quốc hội và yêu cầu thanh tra toàn diện dự án về chính sách, cơ sở nào để lập hồ sơ đền bù cho người dân đặc biệt là vấn đề về 4 con đường "dát vàng" có giá thi công cao như báo chí nêu gần đây.