Những ngày qua, dư luận dậy sóng không chỉ vấn đề quy hoạch Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm mà còn là chuyện giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án. Để đổi lấy 12km đường bộ tại khu đô thị này, TP.HCM đã giao cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) 79 ha đất. Điều đáng nói, mức đầu tư 11.900 tỷ đồng cho 12km đường được cho là quá cao.
Phản hồi về việc này, Công ty Đại Quang Minh cho rằng mức đầu tư thực tế của 12km đường chỉ 8.000 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí trượt giá và lãi vay. Doanh nghiệp còn áp dụng các giải pháp thi công như xử lý nền bằng cọc, cao độ mặt đường cao hơn hiện trạng ban đầu, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, ngầm hoá hệ thống điện, viễn thông...
Để có góc nhìn khách quan về mức đầu tư 4 tuyến đường này, PV Báo điện tử Infonet đã trao đổi với TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức đầu tư 12.000 tỷ đồng cho 12km đường tại KĐTM Thủ Thiêm?
TS. Phạm Sanh:Trước hết, để nói mức đầu tư 12km đường là 8.000 tỷ đồng hay 12.000 tỷ đồng trên là đắt hay rẻ, chúng ta cần định tính lại suất đầu tư của các công trình tương tự. Theo Quyết định 706/QĐ/BXD/2017 của Bộ Xây dựng năm 2016, suất đầu tư được chia làm nhiều loại.
Suất đầu tư cao nhất cho đường cấp 1 khu vực đồng bằng với những quy định kỹ thuật chặt chẽ về mặt đường, dải phân cách, độ rộng nền đường… chỉ 59,4 tỷ đồng cho mỗi km.
Lấy những tuyến đường đã thi công rồi để so sánh thì thấy mức đầu tư này là quá đắt. Nó cao hơn cả con đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” ở Hà Nội, đường này phải tốn chi phí giải toả còn đường ở Thủ Thiêm thì không.
Để đánh giá mức đầu tư này là cao hay thấp thì chúng ta phải xem bản thiết kế, khối lượng các hạng mục như thế nào thì mới chính xác được. Nhưng nói tóm lại, đây vẫn là con số quá cao.
1 trong 4 tuyến đường do Công ty Đại Quang Minh đầu tư tại KĐTM Thủ Thiêm. |
Chủ đầu tư cho rằng đã áp dụng biện pháp xử lý nền bằng cọc, cao độ mặt đường cao hơn hiện trạng ban đầu, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, ngầm hoá hệ thống điện, viễn thông... ông thấy có hợp lý?
Những tuyến đường ở phía Nam có đường nào đất tốt đâu, như tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương chẳng hạn, tất cả đều phải xử lý nền. Thậm chí khi xây dựng Quốc lộ 1 ngày trước, người Mỹ cũng đã phải mang những vật liệu từ các quần đảo ở Thái Bình Dương sang.
Tôi cho rằng, nói phải xử lý nền đất với những kỹ thuật phức tạp để đưa ra mức đầu tư cao như vậy là lý do nguỵ biện. Để thuyết phục hơn, chủ đầu tư phải giải thích tại sao lại ra được con số 8.000 tỷ đồng hay 12.000 tỷ đồng đó?
Hầu hết các doanh nghiệp được giao đất ở KĐTM Thủ Thiêm đều qua hình thức đầu tư BT. Ông đánh giá như thế nào về hình thức kêu gọi đầu tư này?
Về bản chất, BT là hình thức đầu tư rất tốt nhưng trên thực tế đã bị biến dạng, bị trá hình. Cách thức vận dụng đã làm sai Luật Đất đai 2013, Luật Đấu thầu cũng như sai luôn cả những quy định hiện hành.
Bởi dù có làm theo hình thức BT thì cũng phải đấu giá chứ không phải nhà đầu tư đưa ra một con số trên trời để thực hiện dự án rồi lấy miếng đất rẻ như bèo. Họ dùng những xảo thuật về chuyên môn, về cơ chế hay sơ hở của luật để “ăn hai đầu”.
Ông từng nói, huy động vốn tư nhân để phát triển hạ tầng là xu hướng tất yếu để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ở các địa phương. Điều này có mâu thuẫn?
Điều này hoàn toàn đúng nếu chúng ta hoàn thiện được khung pháp lý, khung kỹ thuật và khung tài chính. Quan trọng là bộ máy tổ chức, con người như thế nào? Chính phủ phải trực tiếp đứng ra thành lập các ban ra sao?
Ở nước ngoài, địa phương không “ôm” để kêu gọi hình thức đầu tư BT mà giao cho Chính phủ. Họ thành lập ban tham mưu, ban quản lý dự án thuộc Chính phủ. Trong khi đó, quản lý tổ chức của chúng ta hời hợt, lợi nhuận của BT quá lớn, có dự án lên đến vài chục ngàn tỷ thì hỏi sao không sinh ra tham nhũng?
Cách đây 20 năm, các nước khác ở Đông Nam Á hay Trung Quốc đã nhìn thấy những sơ hở của hình thức đầu tư BT, họ thay đổi bộ máy, tổ chức con người. Quy trách nhiệm của những người sai phạm, thậm chí phải xử lý hình sự.
Với hình thức BT, chúng ta phải hiểu đó là của dân chứ không phải của một, hai quan chức nào. Cứ hô hào của Nhà nước nhưng ký hợp đồng BT hay BOT là anh chỉ đại diện cho dân thôi. Trước sau gì người dân cũng phải trả tiền, không bằng hình thức này thì cũng bằng hình thức khác.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet