Nghiệt ngã giá đền bù, không được tái định cư tại Thủ Thiêm

Thứ năm, 10/05/2018, 12:37
Chuyện bà Trần Thị Mỹ trình bày tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng là bức xúc của nhiều hộ dân khác liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bà Trần Thị Mỹ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Sau 13 năm tôi đi khiếu nại, tôi đã làm hàng trăm đơn, gặp trực tiếp hàng chục lãnh đạo cả trung ương và địa phương nhưng không có bất kỳ một quyết định nào giải quyết dứt điểm khiếu nại cho tôi. Tôi năm nay 77 tuổi, tức cái tuổi đã gần đất xa trời.

22 năm trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định 367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM).

Đây là một quyết định mang tính nhân văn và không có quyết định nào sau đó có thể thay thế tính nhân văn của nó. Bởi vì trong quyết định nêu rõ quy mô toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm là 930ha bao gồm hai phần rất rõ: khu đô thị mới 770ha, khu tái định cư 160ha.

Bà Trẩn Thị Mỹ tại cuộc tiếp xúc cử tri

Quy mô đó được bố trí làm một cụm, một địa điểm, một khu vực. Trong đó, hai khu vực khu đô thị mới và khu tái định cư liền kề nhau, tức là những người dân gắn bó lâu nay với mảnh đất Thủ Thiêm nếu có di dời cũng sẽ được tái định cư ngay bên cạnh dự án, là những người đầu tiên hưởng lợi từ sự phát triển của một khu đô thị tài chính, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Không thể có chuyện lấy phần đất tái định cư gộp vào đất khu đô thị mới và đẩy người dân đi đến những khu tái định cư nằm rải rác ở Rạch Chiếc, Cát Lái, Bình Trưng Đông... như hiện nay.

Không chỉ vậy, bản chất của việc thu hồi đất tại đây là để giao cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cao cấp. Giá bán một nhà ở cao gấp hàng trăm lần so với giá đền bù đất của người dân.

Chính quyền thu hồi đất của gia đình tôi khi không có quyết định thu hồi, không có phương án đền bù. Khuôn viên giải tỏa của gia đình tôi bao gồm nhà và đất ở đều là thổ cư nhưng chỉ đền bù 200.000 đồng/m2.

Nghiệt ngã hơn, lúc đó gia đình tôi cũng được liệt vào diện không đủ điều kiện tái định cư!

Trong khi Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP đã có kết luận bằng văn bản, là phải bồi thường thỏa đáng cho người dân cả trong và ngoài ranh quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.

Thành ủy TP.HCM cũng chỉ đạo chủ trương giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân. Vậy mà mới đây, UBND Q.2 lại ra quyết định buộc người dân đang khiếu nại, khiếu kiện giao nộp sổ đỏ (trong đó có gia đình tôi).

Đây có phải cách giải quyết tốt hay tạo thêm mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền? Những người lãnh đạo hiện nay phải đứng ra dọn dẹp hậu quả đó sao cho thỏa đáng với quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Đừng để người dân phải khổ cực, vất vả lặn lội gõ cửa khắp nơi khiếu nại, khiếu kiện thêm nữa.

Người dân in tấm bản đồ khổ lớn mang đến trình bày với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Rơi nước mắt giá đền bù đất Thủ Thiêm

Giá đền bù quá thấp cũng là nội dung được nhiều cử tri nhắc tới trong buổi tiếp xúc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 9-5.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh có căn nhà 59m2 trên đường Lương Định Của, dành dụm gần 50 lượng vàng mới mua được nhưng khi giải tỏa chỉ được đền bù 94 triệu đồng, phải đóng thêm hơn 800 triệu mới mua được một căn tái định cư.

Nhiều diện tích đất tại Thủ Thiêm người dân chỉ được bồi thường giá thấp vì là đất nông nghiệp

Bà Lê Thị Bạch Tuyết phản ảnh: Nhà nước đền bù cho 18 triệu đồng/m2, mà giờ công ty họ bán nhà với giá 350 triệu đồng/m2 thì không công bằng.

Bà Tuyết không cầm nổi nước mắt, kể: gia đình bà cũng bị thu hồi nhưng còn có đất ở quê để trở về, không như nhiều gia đình tản mát.

Tuy nhiên, bao nhiêu năm nay bà vẫn uất ức vì hơn 3.000m2 đất của gia đình chỉ được đền bù 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng được đền bù rẻ mạt.

"Đề nghị chính quyền giải quyết dứt điểm cho người dân, không thể chần chừ được nữa", bà nói.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích