|
Triều-Mỹ liên tiếp chỉ trích lẫn nhau
Ngày 6/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong buổi trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn Triều Tiên KCNA đã nhấn mạnh, việc Mỹ vẫn “cố ý khiêu khích” Triều Tiên khi mà cục diện Bán đảo Triều Tiên đang hướng tới hòa bình và hòa giải là động thái như “đổ gáo nước lạnh” vào không khí đối thoại không dễ dàng có được.
Và điều này sẽ càng khiến cho tình hình trở về trạng thái căng thẳng ban đầu, phía Triều Tiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, vào ngày 2/5, theo xác nhận của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Mỹ đã điều động 8 máy bay tiêm kích tàng hình F-22 tới Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung trên không với đồng minh Đông Bắc Á.
Theo “Nhật báo Triều Tiên” của Hàn Quốc, việc Mỹ điều động tiêm kích tàng hình tới quốc gia này là nhằm gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump trong bài phát biểu ngày 18/4 tại buổi họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, Mỹ đã nói rằng, sẽ không gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoặc ngừng cuộc gặp mặt giữa chừng nếu nhận thấy kết quả không khả quan.
Toan tính của hai bên
Việc Triều Tiên và Mỹ có những động thái chỉ trích trực tiếp nhằm vào nhau trước thềm hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ được giới phân tích cho rằng đó là hành động có chủ đích của đích của Bình Nhưỡng và Washington nhằm tạo lợi thế trong cuộc đàm phán thượng đỉnh song phương sắp tới.
Đối với Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng thể hiện thái độ phê phán nghiêm khắc hiếm thấy đối với Washington kể từ khi hai nước Triều-Mỹ bắn các tín hiệu khác nhau về cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên trong lịch sử là nhằm giúp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un có được vị thế mạnh hơn trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump sắp tới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un là xu thế không thể ngăn cản. Việc ông Trump nói “có thể hủy bỏ cuộc gặp” chỉ là động thái tung hỏa mù của Mỹ.
Thực chất đây là sách lược gây sức ép của Washington trước thềm hội thượng thượng đỉnh. Bởi vì, nếu thượng đỉnh Mỹ-Triều không diễn ra, bên chịu thiệt nhất chính là Mỹ. Và đối với Nhà Trắng đây chính là thất bại chính trị không thể chấp nhận được. Đặc biệt, không chỉ với dư luận Mỹ mà còn rất “khó ăn khó nói” với đồng minh Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.
Theo Tiền Phong