|
Những con đường ở trung tâm TP.HCM được nhuộm vàng bởi hàng triệu cánh sao đen |
Những cây sao đen này đa phần tập trung nhiều nhất trên các tuyến đường như: Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Ngọc Thạch, Hàn Thuyên… Mỗi khi có một cơn gió bay ngang qua, hàng ngàn cánh sao đen lìa khỏi cành bay phấp phới xuống đường tạo nên một TP.HCM hoàn toàn khác lạ.
Theo một chuyên gia về cây xanh thuộc Hiệp hội Công viên cây xanh TP.HCM, cây sao đen thuộc họ quả 2 cánh, có tên khoa học là Hopea Odorata. Họ điển hình của cây vùng Đông Nam Á.
Cây sao đen là loại cây có xuất xứ từ vùng Indonesia, sau đó di cư dần dần sang Việt Nam. Khi sang đô hộ Việt Nam, người Pháp chọn cây sao đen để trồng trong đô thị Sài Gòn vì cây này phù hợp với khí hậu miền Nam.
Cây có thân màu đen sẫm, thân thường vươn cao thẳng đứng. Đoạn thân dưới cành không được cao, cành thứ cấp dễ bị tét nhánh. Tuy vậy, cây sao đen lại có bộ rễ ăn sâu, ít khi bị đổ ngang. Cây có lá bóng, hai cánh của trái mỏng, màu nâu. Khi trái rơi xuống tạo thành vòng tròn xoay như chong chóng.
Trái sao đen phủ khắp mặt một số tuyến đường |
Cây có lá bóng, hai cánh của trái mỏng, màu nâu |
Khi trái rơi xuống tạo thành vòng tròn xoay như chong chóng |
Trung bình khoảng tháng 4, 5 cây sao đen bắt đầu ra trái và kéo dài trong hơn 3 tháng sau đó |
Những trái sao đen trở thành công cụ chụp ảnh của những người trẻ |
Nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú với những trái sao đen khi rơi xuống đường |
Mỗi cây sao đen cho ra hàng triệu trái khi đến mùa |
Khu vực Hồ con rùa - nơi những cây sao đen được trồng xung quanh |
Hàng sao đen trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) |
Theo vị chuyên gia cây xanh này, trung bình khoảng tháng 4, 5 cây sao đen bắt đầu ra trái và kéo dài trong hơn 3 tháng sau đó. Mỗi cây sao đen cho ra hàng triệu trái khi đến mùa. Cây sao đen khi đến tuổi trưởng thành khoảng 20 năm có có thể bắt đầu cho bông và trái. Tuy vậy thời điểm ra trái tốt nhất là cây đạt khoảng 40 tuổi, hay còn gọi là “cây đã thành thục sinh lý”.
"Sở dĩ người Pháp chọn cây sao đen để trồng trong đô thị là vì cây này rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của miền Nam Việt Nam. Ngoài chuyện cây sao đen được trồng nhiều để cải tạo khí hậu, làm hài hòa môi trường đô thị, thì cây này còn có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt gỗ của cây sao đen thường được dùng để đóng tàu thuyền cực tốt", vị chuyên gia cho hay.
TP.HCM hiện có khoảng 4000 cây sao đen loại 2, chiều cao từ 6 đến 12m và 1.100 cây loại 3 cao trên 12m. Nơi tập trung nhiều cây sao đen cổ thụ nhất là ở khu vực hồ con rùa, đường Hàn Thuyên, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur. Hiện tại hàng loạt các cây sao đen có tuổi thọ lên đến 80 - 100 năm vẫn còn tồn tại và được chăm sóc ở đường Pasteur và Nguyễn Đình Chiểu cho đến tận bây giờ.
Theo Thanh Niên