Tối 5/5, một thành viên tên Giang Vũ đã bất ngờ đăng tải một đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên tiếng Anh và học viên đôi co với những ngôn từ chợ búa. Cao trào của đoạn chửi, cô giáo này nói: “Có một hay 10 trung tâm cũng không thể dạy lợn thành người được”.
Đoạn clip dài gần 3 phút vừa được đăng tải có bối cảnh trong một lớp học. Mở đầu, giáo viên cho biết, đây không phải lần đầu học viên này vi phạm, do đó, học viên phải đóng 100.000 đồng.
Học viên này phản ứng lại và cho rằng mình không đóng. Giáo viên này chỉ tay vào học viên, văng tục và lớn tiếng: “Đây là sân chơi của tao, tao thích làm gì thì làm”.
Cùng với đó, người đứng trên bục giảng chửi bới học viên bằng nhiều từ ngữ tục tĩu, xưng “tao”, gọi “mày” và cho rằng, học viên này đã ký cam kết học tập từ đầu nhưng anh đã vi phạm.
Hình ảnh cô Kim Tuyến chửi học viên là con lợn gây sốt cộng đồng mạng. Ảnh cắt từ clip. |
Cao trào nhất có những đoạn giáo viên này đe mặt học viên lớn tiếng: “Ra ngoài kia, có một hay 10 trung tâm cũng không thể dạy lợn thành người được” hoặc “Lợn học 10 năm cũng không thành người”...
Theo facebook Giang Vũ, video này quay lại cảnh trong lớp học của bạn mình. Do bức xúc quá nên học viên này cũng to tiếng.
Nguyên nhân do học viên này đã làm bài rồi nhưng quên, hôm sau mới nộp nhưng giáo viên này cho biết học viên này vi phạm nội quy nhiều lần và không đồng ý nên vẫn kiên quyết bắt nộp phạt 100.000 đồng.
Được biết, cô tên thật là Nguyễn Kim Tuyến, hiện là người sáng lập trung tâm ngoại ngữ MST English tại Hà Nội.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa cho rằng:
Chúng ta cần hiểu rằng Trung tâm ngoại ngữ là cơ sở giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân theo xác định tại Điều 2 Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học .
Khi đã nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, mọi hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ phải tuân thủ và phù hợp với mục tiêu giáo dục được quy định tại điều 2 Luật giáo dục năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Điều 2 Luật giáo dục thể hiện “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Theo đó Điều 15. Luật giáo dục yêu cầu Vai trò và trách nhiệm của nhà giáo. “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học.”
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa. |
Ngoài ra Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT Tại Điều 33. Hành vi ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên yêu cầu “1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải mẫu mực, có tác dụng giáo dục đối với học viên.”
Trong video có thể nhận thấy người giáo viên đã có lời lẽ so sánh học viên với chó, với lợn, sử dụng ngôn ngữ thô bạo, chợ búa với học viên là điều không thể chấp nhận được, không thể bào chữa.
Hành động đó ngoài việc vi phạm đạo đức nghề giáo còn là hành vi bị nghiêm cấm tại
Điều 34. Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT “Các hành vi bị cấm đối với giáo viên
2. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của học viên.
3. Gian lận trong tuyển sinh, thi, kiểm tra; cố ý đánh giá sai kết quả học tập của học viên; ép buộc học viên học thêm để thu tiền và mọi hành vi tiêu cực trong giáo dục.”
Hành động này sẽ được cơ quan chức năng xác định tính chất mức độ vi phạm để có hoạt động xử phạt hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định
“Điều 21. Vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Môi trường giáo dục không quy định cho phép giáo viên được phạt tiền học sinh, đây có thể được coi là hành vi tiêu cực khác bị cấm theo Điều 34. Các hành vi bị cấm đối với giáo viên: 3. Gian lận trong tuyển sinh, thi, kiểm tra; cố ý đánh giá sai kết quả học tập của học viên; ép buộc học viên học thêm để thu tiền và mọi hành vi tiêu cực trong giáo dục. Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT
Ngoài ra có thể thấy học viên trong trường hợp này cũng có thể bị cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm “đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục .” theo điều 19 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của hành vi thấp hơn.
Môi trường giáo dục cần phải có những ứng xử văn minh, nhân văn, giàu truyền thống đạo đức, để thầy ra thầy và trò ra trò. Xin đừng biến con chữ thành hàng hóa đơn thuần thì môi trường giáo dục mới là thánh đường để truyền đạo học, đạo làm người.
Theo Dân Trí