Ngày 3-5, đại diện Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group - chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1) xác nhận đã tạm dừng thi công dự án từ ngày 27-4.
Chậm dần rồi dừng hẳn
Tại công trường cống ngăn triều Tân Thuận (giữa quận 4 với quận 7), không có công nhân nào làm việc, nhiều máy móc nằm trơ trọi.
Đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngập sau cơn mưa ngày 30-4 |
Bà Trần Thị Tám (ngụ phường Tân Thuận Tây, quận 7) cho biết bất ngờ khi công trường im ắng khác thường. Hồi mới thi công, máy móc tập kết trên sà lan, công nhân làm việc suốt ngày đêm cùng tiếng máy nổ vang bến sông. "Đường Trần Xuân Soạn thường xuyên ngập khi triều cường, người dân rất vất vả khi đi lại. Dự án hoàn thành sớm thì dân bớt khổ nhưng không hiểu vì sao dừng" - bà Tám đặt câu hỏi.
Nhìn từ cầu Tân Thuận xuống, công trình đã lộ lên khỏi mặt nước, nhiều thanh sắt hoen gỉ. Một số người dân cho biết tiến độ của dự án chậm dần từ nhiều tháng trước rồi dừng hẳn. Cùng chung cảnh ngộ, cống ngăn triều Bến Nghé (giữa quận 1 với quận 4) cũng vắng bóng công nhân trên công trường, bên trong chỉ có bảo vệ canh giữ tài sản.
Dự án này được kỳ vọng sẽ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng có diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40 đến 160 m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; cùng với tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh (dài 7,8 km), bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê. Dự án còn xây dựng các nhà quản lý kết hợp hệ thống quản lý tự động hóa (SCADA) và quan trắc ở nhiều khu vực thuộc dự án.
Là khu vực trũng thấp của TP, người dân huyện Nhà Bè sẽ được hưởng lợi nhiều khi dự án hoàn thành. Anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cho biết đường Lê Văn Lương ở đây cứ triều lên là ngập khiến mọi người phải bì bõm lội. Nhiều hôm triều cường dâng đến yên xe. Nước tràn vào nhà khiến đồ đạc hư hỏng, buôn bán ế ẩm. Khi nói về dự án ngăn triều dừng thi công, anh Tâm tỏ ra thất vọng bởi hàng ngàn người dân Nhà Bè đã hơn 10 năm vật lộn với ngập, nay lại phải tiếp tục chung sống với triều cường.
Thiếu vốn, vướng mặt bằng
Chủ đầu tư cho biết nguyên nhân dừng thi công là do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sài Gòn dừng giải ngân cho dự án do UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán về giá trị giải ngân để ngân hàng thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Nếu dùng vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất 3%, trong khi vay lãi suất thương mại thì 7% nên ngân hàng không giải ngân. Trong khi đó, vốn của chủ đầu tư có hạn nên phải thông báo UBND TP về việc dừng thi công.
Việc dừng thi công là căn cứ trên hợp đồng giữa Trungnam Group ký với UBND TP. Theo đó, khi gặp các vấn đề phát sinh thì chủ đầu tư sẽ thông báo cho TP, trong trường hợp này là ngân hàng không giải ngân vốn để tiếp tục thi công các hạng mục tiếp theo. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đề nghị được tính thời gian tạm ngưng thi công từ ngày 27-4 đến khi giải quyết xong các thủ tục cộng dồn thời gian thi công của dự án theo hợp đồng.
Theo hợp đồng giữa Trungnam Group và UBND TP ký hồi tháng 6-2016, thời gian thi công dự án là 36 tháng. Chủ đầu tư hứa rút ngắn thời gian thi công còn 24 tháng. Trong quá trình thi công, ngoài trục trặc về thủ tục giải ngân thì tình trạng thiếu mặt bằng cũng khiến dự án không thể về đích sớm hơn 1 năm.
Đại diện chủ đầu tư thông tin UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp UBND các quận huyện giải quyết vấn đề mặt bằng liên quan và báo cáo TP trước ngày 31-5. Hiện tiến độ dự án đã được 72%, nếu được giao mặt bằng thì các đơn vị thi công cần thêm 6-8 tháng để hoàn thành các hạng mục và vận hành dự án chống ngập.
Sẽ thi công 59 công trình cấp bách Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP cho biết trong tháng 5 sẽ thi công 59 công trình cấp bách để chống ngập. Các đơn vị thi công cũng đang khẩn trương để hoàn thành hệ thống thoát nước, chống ngập cho 7 tuyến đường. Cụ thể, đường Tôn Thất Hiệp (từ Tuệ Tĩnh đến 3 Tháng 2, quận 5), 2 điểm ngập trên đường Mễ Cốc 2 (quận 8), đường An Dương Vương (từ Tân Hòa Đông - Bà Hom, quận Bình Tân), đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến cầu Thủ Thiêm, quận 2) được thay thế bằng đại lộ Vòng cung (khu đô thị mới Thủ Thiêm), đường Hồ Văn Tư (quận Thủ Đức) và đường Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú). Đơn vị này cho biết cũng tăng cường nạo vét các tuyến kênh rạch để bảo đảm khả năng thoát nước, nhất là khu vực gần sân bay. |
Theo NLĐ