Trưa 2-5, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo định kỳ để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tháng 4 trên địa bàn. Tại cuộc họp, các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.
Truy bản đồ gốc
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay ra sao, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết đến giờ vẫn tìm chưa ra.
Chín lô đất thuộc khu chức năng số 1 khu đô thị mới Thủ Thiêm chuẩn bị bán đấu giá có giá khởi điểm 27.000 tỉ đồng |
"TP đã chỉ đạo các sở - ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ - ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy" - ông Nhã nói. Theo ông Nhã, từ năm 1996 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ bản đồ này. Ông Nhã cho biết tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng bản đồ đi kèm lại không có, đồng thời khẳng định TP đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp để xin ý kiến.
Nói rõ hơn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay bản đồ KĐTMTT chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có, các bộ - ngành cũng đang cố gắng tìm. "Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định thì mới được phê duyệt. Rất tiếc, hơn 20 năm rồi, không hiểu lúc ấy công tác lưu trữ làm như thế nào, đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch đó. Quyết định 367 kèm theo bản đồ là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được" - ông Hoan nhấn mạnh. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo phải tìm bằng được và nghe nói đã tìm thấy bản photocopy chứ không phải bản gốc, bản màu.
Bản đồ đi kèm Quyết định 367 được xem là "chìa khóa" giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua. Để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này,
TP.HCM đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP.HCM cũng đã huy động gần 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Cũng từ đó, chuyện khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh. Vấn đề khiếu nại kéo dài, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh quy hoạch. Vào giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đối thoại với đại diện các hộ dân khiếu nại trong dự án. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch KĐTMTT và đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm Quyết định 367 để xác định ranh. Tuy nhiên, chính quyền không thể cung cấp được bản đồ này.
Ai được đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm?
Liên quan đến thông tin 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 KĐTMTT rộng 78.000m2 đã được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đồng ý cho đấu giá quyền sử dụng, người phát ngôn của UBND TP.HCM khẳng định đấu giá ở đây là chọn nhà đầu tư, chứ không đơn thuần bán đất rồi muốn làm gì thì làm. TP.HCM làm việc này vì mục tiêu chung, phát triển đô thị chứ không còn mục tiêu nào khác.
Ông Hoan cho hay giá khởi điểm của 9 lô đất trên là 27.000 tỉ đồng. Khi nhà đầu tư trúng đấu giá thì phải thực hiện các dự án đã được quy hoạch trên mảnh đất đó.
Ông Hoan cũng nói rõ là không phải nhà đầu tư nào cũng đủ điều kiện tham gia. Để được tham gia, các nhà đầu tư phải bảo đảm 5 điều kiện. Một là, phải bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư của TP chứ không phải mua rồi để đó, làm xấu bộ mặt TP. Hai là, phải có năng lực quản lý dự án, từng tham gia các dự án tương tự chứ không phải "cò con" nhảy vô làm dự án lớn. Ba là, phải có trách nhiệm tham gia đầu tư hạ tầng để kết nối với các tuyến đường phục vụ cho chính nhà đầu tư và vùng lân cận. Bốn là, chấp nhận ký quỹ làm tin. Năm là, khả năng huy động vốn tốt.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, dự án nêu trên không nhỏ. Vì quy mô và nhiệm vụ như thế nên khả năng TP có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM Võ Công Lực cho hay việc đấu giá sẽ thực hiện theo Thông tư 14/2015 của liên Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tư pháp, với đầy đủ các bước đo đạc, xác định giá, lên phương án đấu thầu, tổ chức đấu thầu… Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP trực thuộc Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc này.
Theo quy hoạch, khu chức năng số 1 là khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao. Các tòa tháp cao nhất bố trí dọc theo đại lộ Vòng cung và quảng trường trung tâm, giảm dần chiều cao về phía sông Sài Gòn và hồ trung tâm. Các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng trong khu chức năng số 1 là Trung tâm Hội nghị triển lãm với cầu đi bộ qua kênh số 1 kết nối với nhà Bảo tàng; Nhà hát Giao hưởng và Trung tâm Thông tin quy hoạch.
UBND TP.HCM nói về hai ông Lê Tấn Hùng và Lê Trương Hải Hiếu Theo Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, những ồn ào vừa qua liên quan đến kết luận về Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đã có từ 5 năm trước, trong đó có rất nhiều việc phải chấn chỉnh và xử lý. "Vụ việc này là kết quả thanh tra của niên độ trước khi ông Lê Tấn Hùng về làm tổng giám đốc. Có những sự việc liên quan đến yếu tố lịch sử, nếu gom hết lại rồi nói về đồng chí của mình thì nhiều khi cũng kẹt" - ông Hoan nói. Ông Hoan cho rằng vừa qua, một số báo khai thác một khía cạnh nào đó rồi làm bùng lên tin liên quan đến người phụ trách trực tiếp Sargi hiện nay là ông Lê Tấn Hùng, điều đó chưa chính xác. Liên quan đến vụ việc ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận 12, bị kỷ luật, theo ông Hoan, ông Hiếu đã hoàn thành việc kê khai bổ sung. Trước đó, Ban Thường vụ Quận ủy quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Hiếu bằng hình thức khiển trách. Nguyên nhân bị kỷ luật là do ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo tổ chức. Rà soát các dự án ở Nhà BèĐây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018 vào sáng 2-5. Ông Phong cho biết qua rà soát, huyện Nhà Bè có 85 dự án chậm tiến độ kéo dài. Trong đó, nhiều dự án vì nhiều lý do không thể triển khai, chưa kể có dự án sang hết người này qua người khác. Ông Phong đề nghị các đơn vị liên quan rà soát ngay tất cả dự án chậm tiến độ. Những dự án nào kéo dài, không thể triển khai sẽ có giải pháp xử lý phù hợp vì càng kéo dài thì người dân càng khổ. Lãnh đạo TP yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng rà soát lại, không thể để tình trạng nhà đầu tư đăng ký rồi để đó, thậm chí phân lô bán nền. Không bảo tồn biệt thự gần 160 tuổi ở quận 1 Liên quan đến biệt thự gần 160 năm tuổi hiện là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông (59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 - trước đây gọi là "Dinh Thượng thơ", được xây dựng vào những năm 1860) có thể bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết TP đã xem xét rất kỹ việc này khi chọn phương án thiết kế. "Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa - thể thao. Nếu có trong danh sách, dù chưa được cơ quan chức năng kiểm kê đi nữa thì vẫn được đối xử như với di tích. Còn ở đây, công trình này không hề có trong danh sách nên TP quyết định không bảo tồn" - ông Nhã nói. Theo ông Nhã, về tình cảm với công trình kiến trúc cũ thì rất nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ khiến chúng ta phải nuối tiếc nhưng cũng phải tùy vào từng hoàn cảnh. "Với những công trình cũ, hiện thế giới cũng có nhiều cách để gìn giữ như giữ nguyên hiện trạng, giữ lại một số nét đặc biệt hoặc giữ lại thông qua các mô hình… Những công trình nào được công nhận là di tích thì mới được giữ nguyên hiện trạng để thế hệ mai sau có cảm nhận về văn hóa, kiến trúc xưa" - ông Nhã lý giải. |
Theo NLĐ