Thủ tướng: 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết

Thứ năm, 03/05/2018, 12:54
Thủ tướng cho rằng việc quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội Thánh Đức Chúa Trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào sáng 3/5, bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần thấy được, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp.

Thủ tướng cho rằng lĩnh vực văn hóa-xã hội còn một số mặt hạn chế, đặc biệt có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh. Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.

Thủ tướng cho rằng việc quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội Thánh Đức Chúa Trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.

Trước đó, trả lời PV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong vấn đề hoạt động của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời, cơ quan chức năng và các lực lượng chuyên trách phải có trách nhiệm vì đã không có biện pháp quản lý, can thiệp sớm khiến nó trở thành “đại dịch”.

“Vấn đề cần phải nói đến ở đây nữa đó chính là quản lý nhà nước. Phải thẳng thắn nói rằng, trong công tác an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội chúng ta đã quá sơ hở trong chuyện này.

Lẽ ra ngay từ lúc “Hội Thánh Đức Chúa Trời” này mới manh nha là phải có biện pháp can thiệp. Trước hết, phải tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, tiếp đó phải có biện pháp để ngăn chặn.

Chúng ta đã không có biện pháp gì cho đến khi báo chí và dư luận lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng mới từ từ lên tiếng.

Cần phải đánh giá lại trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên trách về vấn đề này" - ông Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra gay gắt.

Vị uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ hoạt động của tổ chức này.

“Tôi khẳng định lại là tôi không cho đây là một tôn giáo. Nếu cho là tôn giáo thì phải đặt câu hỏi là tôn giáo này đã đăng ký và được cấp phép hoạt động chưa, có làm đúng theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo không...

Thậm chí nếu có cho đó là một tôn giáo thì cũng phải xét xem tôn giáo đó là như thế nào, tôn chỉ, mục đích hoạt động ra sao chứ không thể đi ngược lại với xu thế của thời đại, đi ngược lại đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, ông Nhưỡng khẳng định.

Theo VtcNews

Các tin cũ hơn