|
Các sinh viên Hàn Quốc cầm ảnh hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ủng hộ hội nghị thượng đỉnh liên Triều (Ảnh: Reuters) |
Sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử liên Triều hồi tuần trước, Hàn Quốc ngày 29/4 cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy sự sẵn lòng trong việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ hứa không xâm lược Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đã ra tuyên bố chung sau cuộc gặp lịch sử, trong đó đề cập tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có bên nào đưa ra định nghĩa rõ ràng về ý tưởng “phi hạt nhân hóa” cũng như kế hoạch cụ thể để biến ý tưởng này thành hiện thực.
Điều Mỹ và Hàn Quốc mong muốn là chương trình hạt nhân của Triều Tiên phải được xóa sổ “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (hay còn gọi là CVID), chứ không chỉ đơn thuần là đóng cửa các cơ sở phóng tên lửa hay dừng các vụ thử hạt nhân. Trong khi đó, phía Triều Tiên hy vọng các khí tài chiến lược của Mỹ sẽ được đưa ra khỏi Hàn Quốc, thậm chí Mỹ phải rút toàn bộ binh sĩ khỏi bán đảo Triều Tiên.
Theo Zhao Tong, chuyên gia phụ trách chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, bất kỳ cam kết bảo đảm an ninh nào mà Mỹ đưa ra cho Triều Tiên cũng có thể dễ dàng bị “lật lọng”, do vậy Bình Nhưỡng có thể sẽ lựa chọn phương án tiếp tục duy trì kho vũ khí hạt nhân của nước này trong ngắn hạn.
“Tôi không cho rằng Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này trong tương lai gần. Triều Tiên vẫn muốn duy trì năng lực hạt nhân và bảo đảm uy lực răn đe trong khoảng thời gian nhất định. Chúng ta phải lưu ý rằng một số biện pháp bảo đảm an ninh cho chính quyền Bình Nhưỡng, như rút các khí tài chiến lược hay binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc, đều là những biện pháp có thể bị phá bỏ”, chuyên gia Zhao nhận định.
Theo đánh giá của chuyên gia Zhao, “Mỹ sẽ không bao giờ đưa ra một giải pháp bảo đảm an ninh toàn vẹn, đáng tin cậy và trước sau như một cho Triều Tiên. Nếu hai nước (Mỹ-Triều) không thể xây dựng lòng tin trong dài hạn, sẽ rất khó để Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của nước này”.
|
Các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên năm 2009 (Ảnh: AP) |
Chuyên gia Zhao cho rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đang có chuyến thăm tới Triều Tiên, có thể bày tỏ sự sẵn lòng của Bắc Kinh trong việc tham gia vào quy trình giám sát hoặc giải giáp vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, sẽ rất khó để đảm bảo tiến trình giải giáp vũ khí này diễn ra theo hướng đáng tin cậy. Chuyên gia Zhao nhận định các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên có thể dễ dàng được ngụy trang trá hình dưới vỏ bọc là các cơ sở công nghiệp bình thường trên khắp cả nước.
Một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc từng tham gia các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên năm 2003 cũng đồng tình với quan điểm của các chuyên gia. “Chúng ta không biết Triều Tiên hiện có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân hoặc bao nhiêu uranium”, nguồn tin cho biết.
Trong suốt 10 năm qua, việc Triều Tiên từ chối cho phép các thanh sát viên tới nước này kiểm tra các cơ sở hạt nhân là biểu hiện cho thấy sẽ rất khó để đặt niềm tin vào tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân thực sự. Lần gần đây nhất Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thị sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là vào năm 2009. Tuy nhiên, các thanh sát viên đã bị trục xuất khỏi Triều Tiên vào tháng 4 năm đó và Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình vũ khí hạt nhân của nước này đã được tái khởi động.
Một câu hỏi có thể được đặt ra là, tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân như vậy trong khi ông đã đầu tư rất nhiều để phát triển chúng. Về phần mình, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể không tin và tìm cách xác minh những tuyên bố của ông Kim Jong-un về việc phi hạt nhân hóa. Hơn nữa, nếu Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như cảnh báo gần đây của ông, liệu ông Kim Jong-un còn tin nhà lãnh đạo Mỹ nữa hay không.
Trước ông Kim Jong-un, cha của ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các cố Tổng thống Hàn Quốc vào các năm 2000 và 2007. Tuy nhiên, cả hai hội nghị này đều không đi đến đâu ngoại trừ việc hai nước quay lại tình trạng đối đầu căng thẳng. Trong khi đó, đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên cũng đi vào ngõ cụt, khiến nhiều người tỏ ra bi quan về triển vọng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Niềm tin của giới quan sát
|
Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh hôm 27/4 (Ảnh: Reuters) |
Tuy vậy, hầu hết các quan sát viên đều cho rằng bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng được cải thiện, đồng thời đặt niềm tin vào sự ấm lên thực sự trong quan hệ liên Triều.
Paik Hak-soon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, thừa nhận giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một quy trình phức tạp. Tuy nhiên, ông Paik tin rằng mong muốn phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “chân thành” và công chúng không nên quá bi quan về vấn đề này.
“Tiến trình có thể phức tạp và tốn thời gian, song ý chí của các nhà lãnh đạo lần này rất cao. Việc Triều Tiên và Mỹ sắp tổ chức hội đàm song phương đã chứng minh cho điều này. Trong lịch sử, khi các cường quốc muốn thực sự giải quyết một vấn đề, họ sẽ luôn ưu tiên các cuộc đàm phán song phương hơn là đa phương. Xét đến quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, tốc độ chuyển giao có thể diễn ra nhanh hơn so với dự tính của chúng ta. Khả năng phi hạt nhân hóa hoàn toàn vẫn là một kế hoạch khả thi”, chuyên gia Paik nhận định.
Theo Dân Trí