“Chim sẻ” băm nát đất…
Như PV đã phản ánh, thời gian qua, chính quyền huyện Phú Quốc buông lỏng quản lý nên xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp tự ý phân lô xẻ nền hàng ngàn lô đất nông nghiệp, lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép, không phép... Điều này phá vỡ quy hoạch, làm giá đất sốt ảo tăng cao hàng chục lần, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, quy hoạch đất đai.
Từ thực trạng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Phú Quốc ban hành hàng loạt văn bản, nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng trên địa bàn huyện, đặc biệt là thống kê diện tích đất nông nghiệp bị phân lô, xẻ nền, diện tích đất rừng bị bao chiếm để xử lý, nhưng đến nay chỉ mới một số xã có báo cáo.
Hiện thanh tra Chính Phủ và UBND huyện Phú Quốc đang kiểm tra tình trạng phân lô xẻ nền đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc |
Như tại xã Gành Dầu có trên 31.000m2 đất nông nghiệp được phân thành 171 lô nền rao bán. Tại xã Bãi Thơm có hơn 190.000m2 đất nông nghiệp bị phân chia thành 469 lô đất. Đặc biệt tại xã Hàm Ninh, tình hình phân lô xẻ nền trên đất nông nghiệp diễn ra với qui mô lớn. Hiện tại có 26 thửa đất được phân chia thành 1.174 lô.
Còn thực tế, tại các xã Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ… tình trạng phân lô, xẻ nền trên đất nông nghiệp thời gian qua là một điểm nóng. Tuy nhiên trong các báo cáo theo chỉ thị 01/CT-UBND, ngày 7/5/2015 của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, các địa phương này không thể hiện “tình hình phân lô xẻ nền trên đất nông nghiệp”.
Việc các DN ồ ạt phân lô, xẻ nền đất Phú Quốc thể hiện sự buông lỏng quản lý của chính quyền nơi đây và đặc biệt mất cơ hội đầu tư cho những doanh nghiệp lớn khi giá đất cao và quỹ đất không còn nhiều |
Trao đổi với PV về diện tích đất nông nghiệp bị phân lô, xẻ nền ảnh hưởng đến qui hoạch, ông Đinh Khoa Toàn – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết: “Về việc này, Đoàn thanh tra Chính phủ đang tiến hành; Còn riêng UBND huyện cũng đang thực hiện việc kiểm tra, rà soát nên đến nay chưa có số liệu chính thức”.
“Đại bàng” làm tổ… không đẻ trứng
Ngoài thực trạng người dân lo ngại “chim sẻ” đang băm nát “đảo ngọc” Phú Quốc thì hiện này có hàng trăm hộ dân vô cùng bức xúc khi nhiều “đại bàng” cát cứ hàng trăm ha đất, kéo dài hàng cả chục năm qua mà đến nay vẫn chưa triển khai dự án. Làm người dân sống dở, chết dở với các dự án treo này, còn địa phương thì thất thu ngân sách.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã 278 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 361.000 tỷ đồng, trong đó có 241 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng hiện nay chỉ có 34 dự án/241 dự án đi vào hoạt động. Mặc dù chưa có thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tuy nhiên qua phản ánh của người dân cho thấy trên đảo có rất nhiều dự án treo cả chục năm qua.
Ông Phan Thành Lấm và hàng trăm hộ dân ở khu phố 9 đang sống dở chết dở vì dự án Hải Ngân treo 15 năm qua. Hiện bà con không làm giấy tở, sang bán... thiếu điện nước sinh hoạt. |
Bức xúc nhất là dự án Hải Ngân – tại khu phố 9, thị trấn Dương Đông. Ông Phan Thành Lấm – tổ trưởng 18, khu phố 9, thị trấn Dương Đông, cho biết: “Dự án này được thông báo cho bà con từ 2003, tổng diện tích bị đưa vào dự án là trên 22ha. Nhiều lần lãnh đạo huyện hứa chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án, tuy nhiên đến nay đã 15 năm, dự án vẫn chưa triển khai”.
Chính vì sống chung với dự án treo mà làm đời sống của hàng trăm hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng xây dựng, sửa nhà hoặc sang bán, làm giấy đất đều bất động. Nhưng khổ nhất là thiếu điện, nước sinh hoạt.
Còn dây là trụ sở dự án Hải Lưu - ấp Ông Lang đã treo trên 10 năm ... Ngoài ra, công ty này còn một dự án treo khác ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông làm nhiều người dân bức xúc |
Một dự án khác tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương cũng bị người dân bêu tên “dự án đắp chiếu” nhiều năm qua. Bà Trần Thị Hằng - ấp Ông Lang có đất dính trong dự án, bức xúc nói: “Dự án của công ty Hải Lưu được triển khai từ năm 2007, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đền bù, hỗ trợ cho tôi xong. Còn dự án, chỉ xây một cái nhà nhỏ thó cho bảo vệ ở rồi đến nay chẳng thấy xây dựng công trình gì”.
Còn ông Trần Văn Xòa - ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn, đại diện cho 28 hộ dân, bức xúc nói: “Từ 2008, Công ty TNHH Thảo Điền đến công bố với 28 hộ dân chúng tôi về việc công ty thực hiện dự án Khu dân cư, tuy nhiên đến nay công ty và chính quyền cứ năm nào cũng hứa thực hiện nhưng đến nay đã 10 năm vẫn không triển khai”.
Ông Trần Văn Xòa - áp Lê Bát vô cùng bức xúc khi gia đình ông và hơn 20 hộ dân khác sống cảnh vật vờ vì dự án treo của công ty TNHH Thảo Điền suốt 10 năm qua |
“Bà con chúng tôi yêu cầu, công ty, chính quyền phải trả lời cho dân biết, dự án có thực hiện hay không, nếu không thì cho bà con tôi cất nhà, làm giấy đất hoặc sang bán, vì hiện nay người dân chúng tôi sống rất khổ!” Ông Xòa kiến nghị.
Trước thực trạng Phú Quốc có nhiều dự án treo nhiều, người dân ví von: Phú Quốc có nhiều “đại bàng” đến làm tổ nhưng không đẻ trứng. Việc này vừa làm người dân khổ sở, vừa làm nhà nước thất thu ngân sách. Và đáng nói hơn, chính những “đại bàng” này đã chiếm hết chỗ của những “đại bàng” có khả năng “đẻ trứng” cho nhân dân Phú Quốc.
Theo Dân Trí