Phú Quốc bị 'băm nát': Dân phản ứng việc ‘ngăn sông… cấm biển’

Thứ ba, 05/06/2018, 11:19
Trước khi trở thành đặc khu, nhiều vùng biển của Phú Quốc đã bị bao chiếm trở thành “vùng cấm” của các nhà đầu tư, nhiều công trình dự án đã không tuân thủ quy hoạch, chặn lối lên xuống biển của người dân.

Người dân phản ứng việc ‘ngăn sông… cấm biển’, chặn lối lên xuống bãi biển.

Dân phản ứng vì DN chặn đường xuống biển

Ngày 4/6, hàng chục người dân ở xã Cửa Dương (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã kéo về bãi biển ấp Ông Lang để phản ứng doanh nghiệp (DN) lập hàng rào chặn đường xuống biển. Tại đây có một dự án rộng 205 ha kéo dài gần đến xã Cửa Cạn, bao trùm luôn bãi rác Đồng Tràm rộng khoảng 100 ha chưa được giải tỏa.

Ông Trương Văn Buôl, nguyên Trưởng ấp Ông Lang cho biết, nơi DN lập hàng rào và treo bảng cấm dân qua lại là đường dân sinh có trên 50 năm dùng để ngư dân trong vùng đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn. Nhiều hộ dân ở đây đất có "sổ đỏ" nhưng chưa được đền bù.

Còn ông Nguyễn Minh Biên, quản lý một nhà hàng ở khu vực này cho hay, doanh nghiệp lập dự án sân golf và khu sinh thái đã xây hàng rào chắn lối vào của Ông Lang Village.

Không có đường vào chỗ kinh doanh, anh Biên phải mở đường phụ nhưng bùn lầy lội, xe đi lại rất khó khăn. "Mấy tuần trước họ dẫn hàng chục người đến đây ngăn cản người dân để họ thi công hàng rào chắn đường xuống biển. Có nhiều người cầm hung khí nhìn như 'xã hội đen' khiến người dân khiếp sợ", người dân cho hay.

Người dân phản ứng việc nhà đầu tư "ngăn sông cấm biển", bịt đường lên xuống biển của người dân.

Doanh nghiệp "độc quyền" bãi tắm

Theo quy định, quy hoạch bãi biển là nơi sở hữu chung của cộng đồng. Tất cả các dự án phải trừ  hành lang và lối đi xuống biển. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên đảo Phú Quốc khi thực hiện dự án đã rào luôn đường xuống biển để “độc quyền” bãi tắm, bãi biển.

Đây là vấn đề hết sức bức xúc của người dân và du khách khi đến đảo Ngọc. Trong khi chính quyền lại tỏ ra bất lực trước “phong trào” xây dựng trái phép, ngăn sông cấm biển trên mảnh đất đang hình thành đặc khu.

Ttrước đấy, trao đổi với PV, TS Thái Đắc Liệt - nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tình hình đất đai trên đảo hết sức phức tạp. Việc phân lô bán nền, xây dựng trái phép đất không theo quy hoạch đang hết sức lo ngại.

Ông Liệt dẫn chứng khu vực Bãi Sao đang rất phức tạp. Hiện tình trạng mua bán đất búa xua, rồi kiện cáo, tranh chấp diễn ra phức tạp. “Khi thời tôi còn làm việc đã thực hiện qui hoạch khu này rồi nhưng tại vì mình không tiến hành triển khai bồi thường giải tỏa, thực hiện dự án. Và vùng đất này trở thành nơi thâu tóm đất của các “đại gia” đến từ nhiều nơi khác nhau. Nhiều hộ kinh doanh cá thể xây dựng hàng quán theo kiểu mạnh ai nấy làm, chẳng theo một qui hoạch nào cả. Tiếc cho một vùng bãi biển tuyệt đẹp trên đảo đã bị băm nát”, ông Liệt nói.

Ông Liệt cho rằng Phú Quốc bị “băm nát” là do quản lý đất đai không gắn với quy hoạch, quá buông lỏng. Khi đã có quy hoạch tổng thể thì phải có các bước triển khai tuân thủ nghiêm theo quy hoạch.
Tranh chấp đất đai, một nhà đầu tư bị dân rào lại bít cả lối vào tại Bãi Trường.

Ngay khu Bãi Trường (thuộc xã Dương Tơ) được đánh giá quy hoạch khá bài bản, hiện có 50 dự án  đã được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư, với diện tích  1.853 ha. Trong đó có 38 dự án đầu tư ở lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí và 12 dự án khu dân cư đô thị, dịch vụ. Nhưng thực tế lâu nay nhiều chủ đầu tư đã phân lô, chuyển nhượng dự án, thậm chí xây dựng sai quy hoạch, sai phép…, làm cho khu Bãi Trường thành “chiến trường” mua bán và chênh lệch địa tô.

“Dù Bãi Trường là một vùng được quy hoạch khá bài bản. Tuy nhiên tại đây cũng có nhiều vấn đề phức tạp trong tranh chấp, bồi thường dẫn đến một số nhà đầu tư không triển khai được. Một số dự án đã được mua bán sang nhượng. Đáng chú ý, tại khu vực Bắc Bãi Trường chính quyền địa phương đã để cho nhà đầu tư xây dựng bịt cả con đường xuống biển, trong khi quy hoạch hành lang biển là 100m tuyệt đối không được xây dựng. Mặt biển là của chung, của cộng đồng, của du khách, không phải của nhà đầu tư. Bây giờ nhà đầu tư nào cũng độc quyền mặt biển thì còn ai đi du lịch Phú Quốc”, ông Liệt nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn