Trả sông về lại cho... sông: Vấn đề là có chịu làm hay không mà thôi!

Thứ sáu, 17/08/2018, 13:38
Sông Sài Gòn vì đâu bị bức tử đau thương như vậy? Nguyên nhân, giải pháp, cả lý lẫn tình, tất cả đã được bày ra, với nỗi thiết tha về sự sống còn của dòng sông, cũng chính là sự trường tồn của thành phố.

Hãy trả sông về với bản chất tự nhiên hằng có, và hãy cẩn trọng trước khi ký duyệt bất kỳ dự án xây dựng ở ven sông nào, để tạ ơn và giữ lại cho con cháu mai sau báu vật mà mẹ thiên nhiên ban tặng.

Khi bắt tay thực hiện loạt bài phản ánh về thảm trạng lấn chiếm hành lang an toàn bờ, lòng sông ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, nhiều nhà khoa học đã không tin chúng tôi sẽ lên tiếng.

Sau hai số báo liên tiếp (ngày 13 và 15/8) kiên định chạm vào nhiều khía cạnh của đề tài khá “nhạy cảm” này, đến giai đoạn bàn về những giải pháp để cứu sông, chúng tôi lại bắt gặp nỗi niềm trăn trở hiện trên gương mặt những người tâm huyết chuyện mất còn của môi trường sống. Bởi mọi công cụ từ pháp lý cho đến kỹ thuật đều đã có, nhà chuyên môn chỉ biết thốt lên: vấn đề là quản lý nhà nước ở đâu, có chịu làm hay không, mà thôi!

Trong hàng ngàn cuộc gọi và thư của bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ sự bức xúc, ủng hộ và hy vọng về vấn đề mà báo nêu sẽ được chính quyền thành phố quan tâm giải quyết, có cả những lời cầu cứu trong nước mắt của người dân huyện Nhà Bè đang ngày đêm chống chọi với bờ sông lở. Đó không còn là lời cảnh báo. Báo Phụ Nữ xin tạm khép lại chuyên đề này với những đề xuất giải pháp từ các nhà chuyên môn. Câu chuyện sẽ được viết tiếp thế nào là hành động của nhà chức trách.

Giới khoa học ngao ngán khi nghĩ về giải pháp bảo vệ “mạch máu” của phát triển - là biển khơi, khe suối, sông ngòi gắn với môi trường. Ngay tại các trung tâm lớn, những tài sản quý giá này đang bị ngang nhiên xà xẻo, xâm hại không thương tiếc...

Nếu trái luật, phải xử lý

Trầm ngâm với câu hỏi của chúng tôi, tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê-Kông Việt Nam - lắc đầu: “Khó lắm, rất khó để nói về giải pháp. Tình trạng lấn sông ngòi, kênh rạch đã rất rõ rồi. Và với cung cách quản lý nhà nước như hiện nay, có thể nói không có giải pháp nào cả”.

Theo ông, chính quyền các cấp, cơ quan quản lý nhà nước đã có trong tay cả rừng luật, nghị định, thông tư... đề cập rõ ràng sông ngòi là hành lang thoát lũ, đã có sơ đồ các dòng sông rồi mà vẫn cứ thế lấn chiếm, nghĩa là các quy định pháp luật bảo vệ sông không được tôn trọng thì khó bề cứu vãn.

Ông nêu một thực tế, hiện người ta chỉ nhìn thấy mối lợi khổng lồ, được phụ họa bởi những lý giải “khoa học” như “chạy mô hình thủy lực hiện đại thấy chẳng ảnh hưởng gì hoặc chút ít”, rồi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt vì không ảnh hưởng gì lớn đến môi trường, có thể khắc phục được. Thế là thông qua. Luật pháp chỉ dùng để tham khảo, không còn “thượng tôn” nữa, nên mới ra nông nỗi này.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam:

PHẢI CẢI TẠO LẠI, MỀM HÓA BỜ SÔNG ĐÓ

Theo tôi, nên xem lại việc thực thi luật quản lý tài nguyên nước ở khu vực có những công trình đã xây dựng vi phạm lấn chiếm hành lang ven sông, lấn lòng sông, xây trên bờ sông. Rà soát lại cả việc chủ đầu tư đã thực hiện như thế nào, có đúng quy định hay không.

Với những công trình đã bê tông hóa bờ mềm mang hệ sinh thái sống động của sông, như khu vực Tân Cảng chẳng hạn, phải có giải pháp làm sao giữ lại được sự trao đổi giữa các loài sinh vật dưới lòng sông và trên bờ. Họ không thể bê tông hóa bờ sông 100% được mà phải bảo đảm có một không gian bao nhiêu phần trăm để bảo vệ các loài sinh vật có thể làm sạch môi trường nước.

Tôi đề nghị phải cải tạo lại, mềm hóa bờ sông đó, chứ không giữ bê tông 100% như thế. Họ có thể gia cố, làm hành lang bằng những loài thực vật chịu nước truyền thống. Cần phải duy trì thảm thực vật ven sông từ 20-50m.

Với những công trình chưa thực hiện thì phải xem xét lại một cách nghiêm túc báo cáo ĐTM. Muốn thế, phải có cơ quan tư vấn độc lập để phản biện và thực hiện. Độc lập theo nghĩa về mặt kinh phí để làm ĐTM không được phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Nhà đầu tư phải chuyển phần kinh phí đó - gồm bao nhiêu phần trăm so với giá trị công trình - về cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm để thành quỹ bảo vệ môi trường. Cơ quan nhà nước dùng quỹ này để ký hợp đồng với các nhà khoa học thực hiện ĐTM.

Nhà khoa học độc lập như thế chịu trách nhiệm về tính trung thực của ĐTM trước các bộ, ngành và Nhà nước, chứ không phải là chủ đầu tư như hiện nay. Đây là điều mà bấy lâu nay chưa làm được. Nếu không làm thì cứ tiếp tục thảm cảnh chất lượng báo cáo ĐTM do chính chủ đầu tư bỏ tiền ra làm. Thậm chí, trong danh sách những người thực hiện ĐTM có cả người điều hành của chủ đầu tư nữa thì còn ra cái gì…

Ngoài ra, cần phải công khai tất cả các dự án và ĐTM của công trình đó cho công chúng, cộng đồng và tổ chức giám sát. Không giấu giấu giếm giếm như hiện nay, người dân không thể tiếp cận được báo cáo ĐTM.

Báo cáo này cần phải được phổ biến trên mạng, được công bố cho bất kỳ ai cũng có thể tham khảo, đọc được và góp ý. Trong trường hợp công chúng, công luận đã xem, góp ý, đánh giá thì giải pháp để giảm thiểu tác động môi trường sẽ rất tốt vì đã có sự giám sát của nhân dân.

Trong một buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cuối năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề xuất phải cho kiểm tra, rà soát lại tình trạng lấn chiếm sông tại thành phố. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng ý và yêu cầu đưa vào kết luận. Tuy nhiên, đến nay báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải về vấn đề này vẫn chưa đạt, phải làm lại.

Lý giải với Báo Phụ Nữ TP.HCM vì sao đưa ra yêu cầu này, ông Nghĩa nói ngay: “Vì nếu không khẩn cấp rà soát lại việc này thì tình trạng tư nhân hóa bờ sông càng diễn ra mạnh mẽ và đến lúc nào đó thì khả năng không còn gì cả cho cộng đồng. TP.HCM là đô thị cực kỳ thiếu các không gian công cộng”.

Có một số nguyên tắc chung, theo ông Nghĩa, ở các đô thị lớn và văn minh, càng cần rất nhiều không gian công cộng. Ngoài không gian dành cho công trình kinh doanh, nhà ở, công sở, hành chính, đường giao thông… còn lại phải là không gian công cộng - một thành tố rất quan trọng ở đô thị đáng sống.

“TP.HCM có một lợi thế rất mạnh là con sông Sài Gòn tuyệt vời chảy ngang, một nét đẹp không phải đô thị nào cũng có. Nhiều năm trước đây, chúng ta vẫn còn có rất nhiều khả năng dành hai bờ sông này để làm không gian công cộng. Từng có cuộc thi thiết kế tạo không gian công cộng hai bên bờ sông Sài Gòn gồm có đường sá, đường đi bộ, mảng xanh… Nếu làm được điều này, sẽ vừa tạo ra đô thị đáng sống, vừa thể hiện quyền được hưởng thụ không gian công cộng của các công dân bình đẳng với nhau”, ông Nghĩa nhận định.

Hầu như các đô thị lớn trên thế giới, từ Âu sang Á, đều cực kỳ hạn chế việc biến những nơi công cộng ấy thành những khu tư nhân hóa phục vụ cho một nhóm người. Quan sát tại TP.HCM, theo ông Nghĩa, hiện lại thấy một số công trình, dự án chẳng những chiếm bờ sông phục vụ cho chủ đầu tư mà còn lấn chiếm luôn cả lòng sông.

Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên - Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Ðại học Quốc gia TP.HCM:

VỀ NGUYÊN TẮC, ĐÃ LẤN CHIẾM THÌ PHẢI ĐẬP BỎ

Với tôi, giải pháp trên sông cũng giống như luật định ra trên đường phố vậy thôi. Ai lấn ra một cái cửa, một cái cổng vài phân thôi là người ta đã tới dẹp rồi. Và nếu có thể dẹp nghĩa là đã có lộ giới. Dưới sông cũng đã có các công cụ tương tự như vậy để kiểm soát. Về pháp lý, kỹ thuật đều có trong tay cả, vấn đề là có chịu làm hay không thôi.

Nguyên tắc đã lấn chiếm thì phải đập bỏ. Làm thật nghiêm trên sông như trên phố, thì ai dám làm bậy. Bây giờ cứ thử đập một cái lấn sông xem sao, làm gương ngay. Làm nghiêm mới phát triển được.

Và theo tôi, cái thiếu chung của người vạch ra không gian phát triển đô thị hiện nay đó là thiếu hụt kiến thức cảnh quan. Hoặc có thể có người đã đề cập nhưng không được dùng. Nên nhìn từng cái có thể thấy tạm tạm, nhưng đứng xa nhìn vào một cách tổng quát, cảnh quan hay không gian đô thị hiện như bãi rác. Chưa kể, khi vận hành thực tế thì bộc lộ sự bất cập và lại chắp vá sửa chữa đủ thứ.

Do đó, có hai vấn đề cần đặt ra hiện nay. Một là bảo tồn những không gian công cộng còn lại ở hai bờ sông để phục vụ cho cộng đồng. Hai là phải xem lại những gì đã làm.

“Xem xét việc cấp phép cho các dự án như vậy có đúng hay không. Nó đem lại lợi gì, hại gì? Thí dụ như đem lại lợi ích riêng cho một nhóm doanh nghiệp nào đó nhưng gây hại cho cộng đồng thì phải có cách xử lý, xem còn khắc phục được không? Nếu có tác động vào dòng chảy của con sông, như dự án ở Đồng Nai, thì đó là tác động lâu dài, ảnh hưởng lợi ích chung, phải dừng lại”, ông Nghĩa cho biết.

Theo ông, hai việc trên cần phải làm ngay. Xem xét những việc đã qua để rút kinh nghiệm, cái gì khắc phục được thì khắc phục, thí dụ việc lấn chiếm và xây dựng, khai thác bờ sông ấy có trái pháp luật không? Nếu trái pháp luật phải xử lý. Nhưng nếu không trái luật, làm có phép tắc đàng hoàng thì rút kinh nghiệm để cho không xảy ra ở nơi khác nữa.

“Một nguyên tắc nên nói thêm, đã là doanh nghiệp, lúc nào họ cũng muốn có lợi. Quyền nằm ở Nhà nước. Vai trò của Nhà nước là điều hòa lợi ích giữa các nhóm, doanh nghiệp và cộng đồng. Nếu cái gì họ xin mà thấy trái luật, không hợp lý, Nhà nước không cho, ai dám làm. Nếu Nhà nước cấp phép thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ cho doanh nghiệp. Những người nào trong bộ máy nhà nước mà làm sai, cấp phép sai, có tiêu cực phải xử lý nghiêm”, ông Nghĩa khẳng định.

Từ bài học Tân Cảng, phải triệt để quy hoạch ven sông

Trao đổi với chúng tôi ngày 16/8, giáo sư Nguyễn Kỳ Phùng (nguyên giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết, tất cả các quy định về hành lang an toàn bảo vệ sông đều đã được ban hành từ các cơ quan bộ, ngành trung ương cho đến địa phương và buộc phải tuân thủ.

Vấn đề đô thị hóa hiện nay chắc chắn sẽ có những hệ lụy mà các nhà quản lý phải đánh giá và xem xét cái được cái mất, để chọn ra phương án tốt nhất, sao cho hài hòa. “Hiện nay, một số nước đã nhận ra rằng, không cần thiết phải chống lại tự nhiên bằng những công trình to lớn, mà có thể sống chung với nó. Nhưng cách này cũng tốn kém chi phí không nhỏ. Chúng ta cần đầu tư làm sao vừa bảo toàn được các hệ sinh thái hiện hữu, không triệt tiêu nó, vừa phát triển thành một đô thị đáng sống”, ông Phùng nói.

Theo ông, ở nước ngoài, người ta không xây dựng công trình nhà ở, cao ốc ngay cạnh bờ sông. Những vùng mới dọc theo sông ở Hàn Quốc chẳng hạn, luôn luôn tiếp giáp bờ là hành lang an toàn bảo vệ sông với các thảm thực vật rộng, thoáng đãng. Kế đó phải là con đường giao thông chạy quanh. Sau đó, phía bên kia con đường, mới được xây cất.

“Thật ra, con đường chạy quanh như thế vô hình trung cũng sẽ trở thành hành lang an toàn thứ hai cho sông và cộng đồng. Ta có thể làm cống thoát nước, trồng cây, làm những công trình ngầm điện nước… sau đó mới đến công trình xây dựng”, ông Phùng phân tích.

Tiến sĩ Ðỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam:

CẢNH BÁO VỀ ĐỨT GÃY DỌC SÔNG SÀI GÒN

Trong một hội thảo về chống ngập mới đây, tôi đã cảnh báo về tình trạng đứt gãy địa chất dọc sông Sài Gòn. Các công trình nghiên cứu do chúng tôi thực hiện cho thấy, hiện tượng đứt gãy địa chất dưới đáy sông Sài Gòn có xu hướng ngày càng tăng.

Dựa vào những kết quả nghiên cứu đã thực hiện, chúng tôi nhận định tình trạng đứt gãy địa chất dọc sông Sài Gòn là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún, ngập lụt khu vực TP.HCM trong những năm gần đây.

Do địa chất dưới đáy sông Sài Gòn bị đứt gãy nên khi quy hoạch - xây dựng công trình dọc sông cần phải nghiên cứu kỹ về địa chất và những ảnh hưởng của nó về lâu dài. Nếu xây dựng nhiều khu nhà cao tầng sát sông mà chưa nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tình trạng đứt gãy địa chất dọc sông thì có thể xảy ra những rủi ro khó lường trong tương lai.

Theo tôi, đối với những dự án xây nhà cao tầng ven sông cần phải thành lập “hội đồng khoa học đa ngành” để đánh giá đầy đủ về những vấn đề liên quan. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng, nhà khoa học thì cảnh báo nguy cơ nhưng nhà quản lý thì vẫn chấp thuận cho làm.

Liên quan đến bản đồ địa chất nói chung, hiện nay TP.HCM chỉ mới có bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000. Để có những cảnh báo chính xác hơn về tình trạng lún sụt cần phải nghiên cứu xây dựng bản đồ địa chất tỷ lệ 1/10.000.

Việc nghiên cứu xây dựng bản đồ này nhanh nhất cũng mất khoảng hai năm. Khi xây dựng xong bản đồ địa chất với tỷ lệ thích hợp sẽ có đầy đủ cơ sở để xem xét khu vực nào nguy hiểm, không nên xây nhà cao tầng, nhất là những khu vực nhạy cảm như ven sông.

Trả lời câu hỏi: đối với những công trình sau khi kiểm tra, đánh giá xác định là đã lấn sông thì nên xử lý thế nào, ông Phùng cho rằng, phải xem lại hợp đồng. Vì khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, trong đó phải có những ràng buộc pháp lý, ai sai phải chịu trách nhiệm. “Nếu có bằng chứng tác động đến môi trường, xói lở bờ cần xem lại giấy phép đầu tư, ĐTM của dự án. Bởi trong đó chắc chắn phải có tính thủy lực, tính bài toán bồi lắng, xói lở trên một mạng sông”, ông Phùng nói.

Tương tự, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, giải pháp cần làm ngay là quy hoạch ven sông, đó phải là không gian công cộng. Quy hoạch sẽ giữ gìn phần đất đó, chống lấn chiếm. “Nguyên tắc bờ sông là phải được kết nối liên tục. Quy hoạch ven sông lý tưởng nhất phải thật rộng và luôn phải là con đường chạy dọc theo bờ sông, còn các công trình kiến trúc ở bên trong. Phía tiếp giáp với bờ sông phải để bãi bồi tự nhiên hoặc là công trình công cộng… Dù cho có làm công viên thì cũng không thể lấn sông. Rút kinh nghiệm dự án Vinhomes Tân Cảng, khu vực cảng Sài Gòn sắp tới cần phải dành hẳn một hành lang ven sông từ 30-50m làm không gian công cộng. Nếu không có quy hoạch ven sông, sẽ tiếp tục bị lấn chiếm”, kiến trúc sư tha thiết.

Ông Sơn cho biết cụ thể hơn, dự án ở cảng Sài Gòn phải cắt ít nhất một nửa cho diện tích xanh ven sông. Vì mấy chục năm nay, khu bờ Tây TP.HCM phát triển cao tầng mà không có thêm được mét vuông cây xanh nào. Đây là cơ hội duy nhất để thành phố có thêm được mảng xanh cho bờ Tây.

Ngoài ra, ông Sơn lưu ý, công trình công cộng ven sông phải thấp tầng, 1-2 tầng thôi, không thể cao như ở Tân Cảng hiện nay được. “Xây cao tầng và dày đặc như vậy ở ven bờ sông thì công trình sẽ chắn gió, chắn tầm nhìn… Tòa nhà cao tầng phải nằm ở phía trong và phải thấp dần về phía bờ sông. Hiện nay thì ngược lại, đang cao dần về bờ sông”, ông nói.

Cuối cùng ông lo lắng, dọc sông mà toàn những dãy nhà cao tầng bao bên ngoài như một bức tường bê tông khổng lồ chạy suốt từ Tân Cảng cho đến cảng Sài Gòn thì coi như “cơm toi” cho khu trung tâm thành phố.

Luật sư Phùng Thanh Sơn - Ðoàn Luật sư TP.HCM:

CẦN BUỘC CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Không một quy định nào cho phép cơ quan nhà nước cấp phép cho chủ đầu tư lấn sông, kênh rạch cả. Do đó, mọi hành vi lấp sông, rạch đều bị xem là hành vi làm cản trở sự lưu thông của dòng chảy và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trước đây, xử phạt theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP, nay là Nghị định 33/2017/NĐ-CP về quản lý tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Quan trọng là buộc thực hiện các biện pháp khắc phục như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; buộc tháo dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy.

Đối với những thiết kế lấn chiếm sông đã được duyệt (nếu có) do chưa triển khai nên không thể xử lý như trường hợp trên. Chỉ khi nào triển khai thì mới có thể xử phạt và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục. Ngoài ra, các cá nhân liên quan trong việc phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng trái pháp luật cũng phải bị xử lý trách nhiệm theo đúng quy định.

Theo PhunuOnline

Các tin cũ hơn