Loạt sai phạm của dự án lấn cửa sông Hàn Đà Nẵng để phân lô bán nền

Thứ tư, 17/04/2019, 09:34
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án lấn cửa sông Hàn (Đà Nẵng) để phân lô bán nền khiến người dân và nhiều chuyên gia lo ngại.

Giao đất không thông qua đấu giá

Dự án Bất động sản (BĐS) và bến du thuyền Đà Nẵng do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) làm chủ đầu tư, có tên thương mại là Marina Complex.

Dự án lấn cửa sông Hàn đã cơ bản hoàn thành xây kè, đổ đất san nền.

Dự án nằm dưới chân cầu Thuận Phước, thuộc cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, có tổng diện tích 11,7ha. Theo công bố, quy mô dự án này gồm 206 căn, trong đó có 128 căn nhà phố, 78 căn biệt thự.

Đặc biệt, hạng mục lấn sông Hàn của dự án này có diện tích khoảng 1ha, mục đích làm dịch vụ cầu tàu - bến du thuyền.

Để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã xây dựng một bờ kè bê tông kiên cố trên sông Hàn và đổ đất lấp hàng chục mét dòng sông tính từ bờ ra.

Hiện tại, phần lấn sông của dự án đã cơ bản san lấp nền hoàn thành, chuẩn bị cho giai đoạn xây dựng.

Từ khi hình thành dự án đến nay, đã có nhiều sai phạm được chỉ ra, trong đó có kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo Thông báo số 354/TB-TTCP ngày 18/3/2019 của Thanh tra Chính phủ “Kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng”, dự án này được chính quyền thành phố giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm Điều 58, Luật Đất đai 2013.

Dự án này cũng chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết.

Cụ thể, dự án tăng thêm 1.047m2 đất ở và chậm ký hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước để thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Dự án cũng đã được điều chỉnh 5 lần với rất nhiều nội dung điều chỉnh và các lần điều chỉnh đều xuất phát từ đề nghị của chủ đầu tư với mục đích nhằm thu lợi cao hơn từ dự án.

Sở Xây dựng nói không ảnh hưởng

Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin rằng từ thời Pháp thuộc, tại khu vực hiện nay là dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng về phía Mân Quang đã xây dựng kè đá để hướng dòng chảy không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông Hàn.

Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định Dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn.

Theo đó, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè sông Hàn trở vào trong, với mục đích chống sạt lở bờ sông, bảo vệ công trình kiến trúc lịch sử, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hàn, không làm ảnh hưởng đến bờ kè đá đã được xây dựng và gia cố hằng năm.

Do đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ.

Sở này cũng tuyên bố, dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng là dự án không gian mở, quy hoạch các công trình phục vụ công cộng (CLB du thuyền, bến du thuyền, club house…). Tuyến đường đi bộ rộng 9m dọc sông Hàn và người dân hoàn toàn được sử dụng các dịch vụ và tuyến đường này.

Chuyên gia khuyến cáo

Dù chính quyền tuyên bố an toàn nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ quan ngại cho các dự án lấn sông Hàn hiện nay.

Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho biết, bến du thuyền nằm trên tuyến kè cũ làm từ thời Pháp thuộc nhằm hướng dòng chảy của sông Hàn, tránh việc bồi tụ cửa sông để phục vụ các tàu thuyền vào cảng (trước đây các bến cảng của Đà Nẵng nằm sâu trong sông Hàn, sau này dời ra cảng Tiên Sa).

“Dù gì thì gì cũng không nên lấn sông Hàn vì con sông này nhỏ mà lấn ra sẽ làm mất cảnh quan”, ông Thắng nói.

Các chuyên gia cho rằng dự án lấn sông này sẽ ảnh hưởng đến tự nhiên nhưng không phải ngày một ngày hai, mà có thể 3 hoặc 5 năm sau.

Ông Hồ Duy Diệm, Kiến trúc sư, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP.Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam khẳng định, việc lấp sông, lấn sông ở nhiều địa phương đã được các nhà khoa học cũng như thực tế minh chứng đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Ông Diệm cho rằng, việc lấn sông Hàn làm dự án sẽ gây hậu quả nặng nề. Đặc biệt, vào mùa mưa, khi nước từ thượng nguồn đổ xuống, thủy triều từ biển dâng lên khiến lưu lượng nước tăng lên nhiều lần, vận tốc nước chảy mạnh lên thì khi đó mặt cắt ngang dòng chảy phải tăng cao lên.

“Nếu đắp bờ lấn sông thì mặt cắt nhỏ đi, tất nhiên sẽ xảy ra đào phá bờ sông bên kia để đủ mặt cắt ướt. Hoặc nước sẽ dâng cao tràn ngược cống vào trong gây ngập phía thành phố. Thi công chỗ này khiến nước không phá được thì nó sẽ phải phá chỗ khác để lập lại cân bằng tự nhiên, yếu chỗ nào nó phá chỗ đó”, ông Diệm lý giải.

Cũng theo ông Diệm, dự án lấn sông này sẽ ảnh hưởng đến tự nhiên nhưng không phải ngày một ngày hai, mà có thể 3 hoặc 5 năm sau.

Theo VTC

Các tin cũ hơn