Đúng như dự báo từ các năm trước, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã không còn là điểm nhấn duy nhất của các nhà đầu tư bất động sản (BĐS). Năm 2019 ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thị trường mới như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Vũng Tàu…
Đây là nhận định của đa số diễn giả, khách mời về xu hướng BĐS năm 2019 tại hội thảo “Tiêu điểm Bất động sản quý 1 – Xu hướng & Cơ hội đầu tư quý 2/2019” do Bizlive tổ chức.
Thị trường không "sốt nóng" ở một số nơi như báo chí nêu
Đánh giá về thị trường BĐS quý 1, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong quý I/2019, giao dịch BĐS ở hai thị trường đầu tàu là Hà Nội và TP.HCM đều có sự giảm tốc. Tại Hà Nội trong quý 1 có 5.206 sản phẩm mới được chào bán, giao dịch thành công đạt 3.200 sản phẩm. Tại TP.HCM, con số tương ứng là 3.274 sản phẩm chào bán và gần 3.000 giao dịch thành công.
Bất động sản các tỉnh là điểm sáng của thị trường bất động sản. |
Sự giảm tốc này được đánh giá là mang tính chu kỳ, do quý 1 trùng với lịch nghỉ Tết nên đương nhiên giao dịch BĐS khó có thể sôi động.
Một nguyên nhân khác là do các cơ quan quản lý hiện đang tiến hành rà soát các dự án BĐS đủ điều kiện giao dịch. Hầu hết các dự án mới tại Hà Nội và TP.HCM đều đang trong trạng thái chờ các cơ quan quản lý phê duyệt hồ sơ.
“Đây là một trong các lý do khiến nhiều chủ đầu tư phải mở rộng về các tỉnh lân cận, kéo theo làn sóng nhà đầu tư cũng dịch chuyển theo. Tại khu vực phía Nam, điển hình là các tỉnh lân cận TP. HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… đã được hưởng lợi khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đổ về để tìm kiếm nguồn hàng mới”, ông Đính cho hay.
Sự dịch chuyển đang diễn ra, tuy nhiên không "sốt nóng" một cách thái quá như nhiều kênh truyền thông cho hay. Giao dịch tại các thị trường mới vẫn khá ổn định do nhà đầu tư vẫn nghiên cứu và chờ đợi các động thái mới.
Ghi nhận tại một thị trường khá tiềm năng tại khu vực Bắc Trung Bộ là Thanh Hoá, nguồn cung BĐS đang khá phong phú, chủ yếu đến từ các dự án của các doanh nghiệp lớn như FLC, Eurowindow...
"Về phân khúc đất nền nhu cầu rất nhiều kể cả người dân và nhà đầu tư. Về phần chung cư, trong những năm gần đây tương đối tốt, mạnh, tập trung vào giá rẻ. Bên cạnh đó phân khúc nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được đặc biệt quan tâm", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa nói.
Một điểm sáng của BĐS trong quý 1, theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL tại Hà Nội là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2. Giám đốc JLL cho rằng, sự kiện này đã đưa Việt Nam lên headline của truyền thông thế giới, có thể nói là một sự marketing vô cùng hiệu quả cho nền kinh tế nói chung và BĐS nói riêng trong đó thành phần hưởng lợi nhất là du lịch và cũng là cơ hội cho BĐS công nghiệp.
"Dù chúng ta chưa thấy ảnh hưởng rõ nét ở thời điểm hiện tại, nhưng đây sẽ là sự tác động rất lớn tới thị trường BĐS trong năm nay và các năm tiếp theo", ông Quang nhận định.
Cơ hội cho các thị trường mới
Dự báo về khả năng tăng trưởng của thị trường BĐS trong quý 2/2019 so với quý 1/2019, 64% ý kiến tại hội thảo lựa chọn khả năng tăng nhẹ, và 15% ý kiến chọn khả năng tăng cao nhất trong năm.
Hai phân khúc được cho là sẽ dẫn dắt thị trường với tỷ lệ đồng ý cao nhất là chung cư và đất nền. 47% khách mời tại hội thảo nhận định BĐS tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn nhất của 2019, sau đó mới đến gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, vàng.
Trước câu hỏi về xu hướng nhiều nhà đầu tư chuyển dịch sang các tỉnh thành mới, thậm chí không gần các trung tâm đô thị lớn có tiếp diễn hay không, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định đây là xu hướng tất yếu.
Theo ông Võ, nếu cứ tập trung đầu tư đến một số nơi nhất định thì nguồn lực cũng đến lúc cạn kiệt. Do đó, việc đổ tiền vào các địa phương mới có tiềm năng du lịch là xu hướng tất yếu. Tại các nơi này giá đất rất ưu đãi, chính quyền địa phương cũng trải thảm đỏ mới các nhà đầu tư.
Lưu ý về cơ cấu sản phẩm tại các thị trường này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng văn hoá sở hữu tại các tỉnh là đất nền và các tỉnh cũng mới chủ yếu tập trung vào nhà ở xã hội vì cho rằng phân khúc này phù hợp với người lao động tại các tỉnh thành. Tuy nhiên, tương lai cần hướng đến các đô thị thông minh với nhà cao tầng cho người dân và một đối tượng đặc biệt là người lao động nước ngoài, bởi tốc độ đô thị hoá và phát triển kinh tế đang tăng mạnh.
"Bệ đỡ" cho BĐS nghỉ dưỡng
Nhận định về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng tiềm năng của phân khúc này rất lớn nhưng phát triển vẫn chưa đồng bộ.
"Có thể thấy pháp luật hiện nay đang ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng. Vừa rồi Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình với Chính phủ đưa ý kiến sang Quốc hội đề nghị cho hoãn sửa đổi Luật Đất đai, dự kiến để sau 2020. Cái đó có nên không? Nhà ở cho người nước ngoài đã mở tại Luật Nhà ở 2014, đây là một bước đi rất quan trọng chuẩn bị cho hội nhập. Nhưng nhà ở thì mở mà đất ở lại không mở. Liệu có phải chúng ta đang cho mua nhưng không công nhận việc sở hữu?", ông Võ nói.
Cũng theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, các doanh nghiệp đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng đang rất "thổn thức" về chế độ sử dụng đất cho phát triển BĐS nghỉ dưỡng là lâu dài như đất ở hay chỉ 50 năm như hiện nay.
"Doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng hy vọng vấn đề này sẽ được sửa đổi trong Luật Đất đai, để đáp ứng với nhu cầu thực tế đang rất lớn và biến du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Hiện tại chính sách không đồng bộ có tỉnh đang quản lý BĐS nghỉ dưỡng như đất ở và có tỉnh lại không. Mà thực tế nơi nào cho sử dụng như đất ở thì phát triển rất tốt và ngược lại", ông Võ nhận định và cho rằng nên có nhiều kiến nghị tháo gỡ rào cản để BĐS nghỉ dưỡng phát triển hiệu quả đúng như tiềm năng lớn của phân khúc này.
Theo VTC