Loạn xây dựng trái phép ở Phú Quốc

Thứ bảy, 06/04/2019, 09:03
Mặc dù chưa có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên những sai phạm trên đảo Phú Quốc đã được “thấy mười mươi” bằng trực quan: “băm nát” đất nông nghiệp, đào núi lấp sông, đặc biệt là xây dựng trái phép tràn lan.

Đất nằm trong dự án của Cty Quý Hải đã bị chiếm đoạt, xây dựng trái phép

Thách thức chính quyền

Xây dựng trái phép là vấn nạn nhức nhối trên đảo Phú Quốc trong những năm qua. Theo một nhà thầu chuyên nghiệp trên huyện đảo, vi phạm trong xây dựng chiếm đến 90%. Ngoài việc có “ông nào đó” bảo kê, thì các băng nhóm “xã hội đen” cũng lấn sâu vào lãnh địa này.

Đầu năm 2013 ông Võ Minh Cương (ngụ tại TP.HCM) mua một thửa đất 5.000m2 (giá 1 tỷ đồng) của ông Ngô Hoàng Nam tại ấp Suối Đá (Dương Tơ, Phú Quốc), có đường đi vào rộng 10m, dài 25m. Tuy nhiên khi giao đất ông Nam lại đo sang đất của người khác. Sau nhiều lần khiếu nại và phải chi thêm 500 triệu đồng nữa ông Cương mới nhận được đúng phần đất mua của ông Nam.

Tuy nhiên, đến năm 2015, sau khi giao đất xong ông Nam lại trở mặt cho người rào đường bít lối vào miếng đất đã bán và ra giá… 1 tỷ đồng nếu muốn có đường đi. Ông Cương khiếu nại nhưng không ai giải quyết. Đầu năm 2018 ông Nam huy động khoảng 30 tay “anh chị” đến bảo vệ cho một tốp thợ xây dựng ngôi nhà ngay trên con đường đi vào miếng đất của ông Cương. Do giá đất Phú Quốc thời điểm này tăng đột biến nên ông Nam “hét” 10 tỷ đồng thì mới trả lại đường đi.

Sự việc đã được ông Cương khiếu nại nhiều năm, nhiều lần, nhiều cấp; nó xảy ra ngay trên đường cái quan, thế nhưng vì sao chính quyền địa phương không xử lý? Phải chăng vì ông Nam là người nhà của một vị cán bộ huyện về hưu nên không ai dám đụng chạm?

Ngang nhiên lấy đất của dự án phân lô bán cho nhiều người, rồi xây dựng nhà bất hợp pháp là trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1983) đến từ Hà Nội. Đại diện Cty Quý Hải ông Võ Minh Tài cho biết: Dự án Khu du lịch sinh thái của Cty rộng trên 10ha, đã chi trả bồi thường, tọa lạc tại Bãi Trường, xã Dương Tơ  hoàn thành giai đoạn một và đưa vào khai thác khách sạn 4 sao phía bờ biển, đang đầu tư giai đoạn hai.
Lợi dụng phần đất trống sát đường Cty chưa đầu tư, bà Loan đã phân lô bán nền (giấy tay) cho nhiều người, trong đó có ông Hoàng Văn Chung mua 132m2 (6mx12m), giá 2,5 tỷ đồng. Sau khi mua đất, ông Chung đã xây nhà kiên cố, mở cơ sở bán sơn. Ngay khi phát hiện sự việc phía Cty Quý Hải cho người ra ngăn cản nhưng gặp phải sự can thiệp quyết liệt của băng nhóm “xã hội đen” với nhiều hung khí, đầy manh động. Chính quyền cũng không thấy xuất hiện cho dù phía Cty đã trình báo.
Bất chấp
Vụ việc gây ồn ào dư luận nhiều nhất trong thời gian qua là vụ xây dựng khách sạn 5 sao Sea Shells tọa lạc thị trấn Dương Đông (nằm đối diện với Huyện ủy), vốn 300 tỷ đồng, qui mô 250 phòng. Dư luận cho rằng khách sạn này là “điểm đen” vi phạm Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khi nó được xây dựng cách mặt biển chỉ khoảng 3m. Công trình còn lấn át không gian di tích văn hóa tâm linh Dinh Cậu, chiếm hầu hết bãi tắm công cộng của người dân, du khách. Theo giấy phép xây dựng, Sea Shells chỉ được xây tối đa 7 tầng nhưng chủ đầu tư lại tùy tiện cho xây đến 9 tầng. Vào thời điểm Sea Shells khởi công công trình, tỉnh Kiên Giang đang ra sức lập lại trật tự về xây dựng, nhất là các công trình ven biển. Bất chấp phản ứng của dư luận Sea Shells vẫn hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Sea Shells chỉ là một trong vô vàn trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Trên đảo Phú Quốc có nhiều nhà nghỉ, khách sạn đất chưa chuyển mục đích sử dụng nhưng vẫn hoạt động… ầm ầm.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, từ cuối tháng 9/2018 đến nay (sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình), tổ xử lý vi phạm về công tác quản lý đất đai trên địa bàn đã phát hiện 257 vụ, xử lý 32 trường hợp, thu hồi thực địa tổng diện tích trên 228.654m2; phát hiện 1.034 trường hợp xây dựng trái phép, xử lý 15 trường hợp.
Vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng diễn ra hầu khắp các xã, thị trấn. Xã đảo Hòn Thơm dẫn đầu với 900 vụ, vi phạm về xây dựng lên đến 850 vụ, chủ yếu xây dựng nhà trên đất nông nghiệp (782 vụ) và xây nhà trong đất rừng phòng hộ (68 vụ).
Liên quan đến các băng nhóm “xã hội đen” trên đảo Phú Quốc, Công an huyện đã mời làm việc gần 200 đối tượng trong các nghi án cho vay nặng lãi, bảo kê xây dựng, bao chiếm đất đai… Trong số 138 đối tượng bảo kê bao chiếm đất đai, 23 người có tiền án. Nhiều băng nhóm đến từ các tỉnh thành phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội…
Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn