|
Trong khi Bình Chánh đang nổi cộm với nhà xây lụi thì hàng trăm hecta đất ở đây đang bị “giam lỏng” bởi quy hoạch treo và dự án treo tới hàng thập niên. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến vấn nạn phân lô đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở không phép kéo dài chưa có điểm dừng tại huyện vùng ven này.
Hơn hai thập niên bị “giam lỏng” quyền lợi về đất đai
Tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, trái ngược với cảnh đầu nậu ngang nhiên phân lô đất nông nghiệp trái phép và xây nhà lụi như chốn không người, là tình trạng người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng nhà ở do bị vướng quy hoạch. Hàng trăm hecta đất bỏ hoang trong khi người dân có đất nhưng không có nhà để ở.
Chúng tôi đến căn nhà của ông Huỳnh Văn Y, đường Kinh Trung Ương, ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, vốn là dân địa phương sinh sống gần 50 năm tại đây. Trước mắt phóng viên là căn nhà đang dựng dang dở. Hai phần ba bức tường đã được dựng lên nhưng phải tạm dừng thi công. Hơn nửa tháng nay, gia đình ông Y đang phải tá túc qua ngày trong một túp lều che bạt tạm bợ kế bên căn nhà đang xây dở.
Ông Y cho biết lý do ông bị đình chỉ xây dựng là do căn nhà nằm trong quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất nên chỉ được sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng mới. Tuy nhiên, do căn nhà của ông được xây dựng từ năm 1985, lại bị ngập nước mỗi khi mưa xuống khiến tường, móng đã mục. “Nếu sửa chữa theo kiểu nâng nền, nâng mái thì toàn bộ kết cấu căn nhà sẽ bị ảnh hưởng, có thể sụp đổ. Do đó tôi buộc phải tháo dỡ toàn bộ căn nhà và xây lại trên nền nhà cũ” - ông Y nói.
Người đàn ông 62 tuổi cho biết căn nhà của ông được xây dựng trên đất ở, chỉ xây lại trên nền nhà cũ. Ông muốn làm thêm gác để 11 người trong gia đình được ở thoái mái hơn, không hề xây lấn ra khỏi ranh nền nhà cũ. Tuy nhiên, đó cũng chính là lý do khiến căn nhà của ông bị lực lượng chức năng yêu cầu tạm đình chỉ xây dựng.
Nhà cũ đã tháo dỡ, nhà mới thì bị tạm ngưng xây dựng, người nhà toàn làm thuê, làm mướn, gom góp được hơn 100 triệu đồng đổ hết vào việc xây nhà. Gia đình ông Y không đủ tiền đi thuê trọ nên suốt nửa tháng nay, cả nhà 11 người gồm hai vợ chồng già, sáu người con, dâu, rể cùng ba đứa cháu phải chui rúc trong túp lều che bạt lụp xụp, ngổn ngang đồ đạc. “Biết dở dang như vầy, tôi để cho nhà sập luôn, rồi tới đâu hay tới đó” - ông Y buồn bã nói. Trong khi phía bên kia đường Kinh Trung Ương không nằm trong quy hoạch, người dân được xây nhà cửa, sinh sống ổn định.
Có hơn 1.500m2 đất (trong đó có hơn 430m2 đất ở) nhưng hơn 20 năm nay, gia đình ông Y phải bỏ hoang hóa đất đai, không làm được gì. Ngay cả căn nhà để ở cũng đã mục nát cũng phải cắn răng chịu đựng.
Không những vậy, việc sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hồ Thị Cẩm Tú đang nuôi khoảng 10 con bò nhưng phải nuôi trong khuôn viên căn nhà chật chội nằm ngay mặt tiền đường Kinh Trung Ương. Việc nuôi bò của bà Tú gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Bà Tú đã bỏ móng để xây chuồng bò trên phần đất rộng gần 5.000m2 của mình nhưng cũng bị cấm. Hàng xóm nhiều lần phản ứng dữ dội việc nuôi bò gây hôi thối nhưng bà Tú cũng đành lực bất tòng tâm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ông Y, bà Tú chỉ là những trường hợp điển hình cho hàng trăm hộ dân sống khổ sở trong khu quy hoạch hồ sinh thái Vĩnh Lộc hơn 20 năm nay. Họ bị hạn chế gần như mọi quyền lợi về nhà, đất. Người dân mỏi mòn chờ TP sớm thực hiện quy hoạch hoặc không thì xóa bỏ để họ được hưởng lợi từ đất đai thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.
|
Ông Huỳnh Văn Y và những bức ảnh chụp hiện trạng căn nhà cũ xây từ năm 1985 bên cạnh căn nhà mới đang tạm đình chỉ. |
|
Túp lều 11 người trong gia đình ông Huỳnh Văn Y ở tạm trong thời gian bị đình chỉ xây dựng, cải tạo căn nhà cũ xây từ năm 1985, có nguy cơ sụp đổ. |
Và những dự án treo kỷ lục
Theo UBND huyện Bình Chánh, dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc được UBND TP phê duyệt vào năm 1996 với quy mô khoảng 340ha. Dự án này nằm trên phạm vi ba xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Năm 1999, Thủ tướng đã có quyết định giao đất cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh để đầu tư xây dựng dự án. Từ đó đến năm 2011, chủ đầu tư chỉ bồi thường chưa tới chục hộ dân, rồi giậm chân tại chỗ.
Đến tháng 1-2011, UBND TP có quyết định ngưng thực hiện dự án trên. Tuy nhiên, dù đã hủy quyết định giao đất nhưng quy hoạch vẫn còn khiến cho quyền lợi về nhà, đất hợp pháp của người dân vẫn không được cải thiện.
Một dự án treo kỷ lục khác tại huyện Bình Chánh là khu đô thị (KĐT) Sing-Việt tại xã Lê Minh Xuân với quy mô 332 ha. Dự án này được TP chấp thuận đầu tư vào năm 1997, tính đến nay đã 22 năm và qua sáu lần gia hạn đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường xong. Hiện vẫn còn hơn 40 trong tổng số gần 700 hộ dân bị ảnh hưởng chưa đồng ý với giá bồi thường. Dự án kéo dài gây bức xúc rất lớn cho người dân. Lãnh đạo TP nhiều thời kỳ cũng đã tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay theo UBND huyện Bình Chánh, dự án này vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh quy hoạch hai dự án có quy mô “khủng” và thời gian treo khủng nêu trên thì cũng phải nhắc đến khu E thuộc KĐT Nam TP. Toàn bộ khu E thuộc KĐT mới Nam TP rộng 125 ha, trong đó diện tích thuộc xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh 81,5ha với gần 700 hộ dân bị ảnh hưởng.
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thu hồi gần 3.000ha đất để xây dựng KĐT mới Nam TP, trong đó có khu E nêu trên. Đến 22 năm sau, tức là vào năm 2016, UBND TP đã lấy khoảng 20ha trong khu E để xây dựng Bến xe Miền Tây. Còn lại, từ đó đến nay cũng ngót 25 năm nhưng khu E cũng giậm chân tại chỗ.
Chỉ tính riêng việc quy hoạch ba dự án nêu trên đã có tổng quy mô lên đến hơn 700ha, lớn hơn diện tích của các xã như Quy Đức, An Phú Tây thuộc huyện Bình Chánh.
Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, thu hồi dự án treo Trong văn bản trả lời Pháp Luật TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh cho biết không chỉ riêng các khu quy hoạch nói trên mà tại huyện này còn có gần 2.000 ha quy hoạch các khu B, C, D (KĐT Nam TP), đa phần các dự án đều chậm triển khai. “Các đồ án quy hoạch dân cư xây dựng mới thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện đầu tư đồng bộ, cơ sở hạ tầng và hiện nay cũng chưa cho phép người dân có đất trong quy hoạch được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Từ đó dẫn đến tình trạng các đầu nậu lợi dụng nhận chuyển nhượng và phân lô trái phép” - huyện Bình Chánh nhận định. Cùng với đó, hơn 140 dự án treo trên địa bàn cũng đang ảnh hưởng đến đời sống người dân. Huyện Bình Chánh kiến nghị TP chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, cấp phép xây dựng nhà ở đối với người dân có nhà, đất hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và dân cư xây mới trong thời gian chưa có dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, xem xét chấp thuận chủ trương cho rà soát hiện trạng, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân để điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là đối với đất hỗn hợp và dân cư xây mới. Bình Chánh cũng kiến nghị TP sớm xem xét thu hồi dự án chậm triển khai hoặc không thực hiện đúng cam kết hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực. “Đề xuất tổ chức đấu thầu, giao lại dự án cho nhà đầu tư có năng lực thực sự để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời có chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở theo quy hoạch được duyệt. Nhất là dự án nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như Vĩnh Lộc A, B, Bình Hưng, Tân Kiên” - huyện Bình Chánh đề xuất. Sau khi phóng viên phản ánh trường hợp của ông Huỳnh Văn Y, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, cho biết ngay ngày hôm sau đã cử cán bộ đến xem xét hiện trạng và hướng dẫn cho ông Y được sửa lại nhà ở theo hiện trạng. Ông Y đã gọi điện thoại đến chia sẻ với phóng viên, vui mừng cho biết: “Nếu không có sự can thiệp kịp thời của quý báo, gia đình tôi không biết phải tính như thế nào khi mùa mưa đang cận kề”. |
Theo PLO