|
“Tình trạng phân lô đất nông nghiệp, xây dựng trái phép ở Bình Chánh đã kéo dài và như một căn bệnh trầm kha suốt mấy chục năm nay. Để chữa căn bệnh này, một mình Bình Chánh hay tự các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng không thể giải quyết được mà cần phải có sự vào cuộc của chính quyền TP, các sở/ngành chuyên môn thì mới có thể giải quyết triệt để”. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM (ảnh), đã có những chia sẻ như thế với Pháp Luật TP.HCM sau loạt bài những bất ổn về quản lý đất đai, xây dựng ở Bình Chánh.
Phải xắn tay áo để lo cùng Bình Chánh
Thưa ông, từng là người đứng đầu UBND huyện Bình Chánh và am hiểu rất nhiều về địa phương này, với vai trò là giám đốc Sở Xây dựng, nhiều lần ông giải quyết các vấn đề nóng ở Bình Chánh liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, theo ông, chúng ta cần phải có giải pháp gì để xử lý dứt điểm các vấn đề phân lô, xây dựng trái phép?
|
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM |
Ông Trần Trọng Tuấn: Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc phân lô đất nông nghiệp, xây dựng trái phép ở Bình Chánh. Nếu không giải quyết một cách thấu đáo, triệt để thì câu chuyện nhà không phép, trái phép sẽ không ngừng tiếp diễn. Điều này kéo theo chất lượng nhà ở, hạ tầng không đảm bảo, phá vỡ quy hoạch, cán bộ, công chức ở huyện/xã sẽ tiếp tục bị kỷ luật. Việc kiểm điểm người đứng đầu huyện/xã thì dễ, thậm chí có đuổi việc, cách chức cán bộ này, đưa cán bộ khác về mà không thay đổi cơ chế thì câu chuyện kỷ luật cũng còn kéo dài.
Vì vậy, theo tôi phải thay đổi, phải có biện pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm câu chuyện này. Theo đó, UBND TP, các sở/ngành có liên quan phải xắn tay áo vào để lo với Bình Chánh. Có thể thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo do một phó chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng/trưởng ban chỉ đạo để giải quyết thấu đáo các vấn đề ở Bình Chánh.
Cần phải có một cơ chế tạm thời mà cơ chế đó xác lập, chỉ rõ trách nhiệm của UBND TP, của các sở/ngành, cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền địa phương với câu chuyện ở Bình Chánh. Đó cũng là bày tỏ thái độ vào cuộc quyết liệt của TP đối với tình hình trật tự xây dựng ở Bình Chánh. Qua đó, những đầu nậu nơi đây sẽ biết là cơ hội đã hết, không còn chuyện làm giàu bất hợp pháp bằng cách vi phạm pháp luật nữa. Cùng với đó là ý tưởng mua nhà tạm bợ theo kiểu “ăn xổi ở thì” cũng phải thay đổi.
Cơ chế đó cũng là giải pháp bền vững, toàn diện để tháo gỡ những nút thắt ở Bình Chánh. Nếu không thì đâu cũng sẽ lại vào đó, rồi câu chuyện phân lô, xây dựng không phép lại chìm vào quên lãng, lại trở về công việc thường xuyên của huyện chứ không có gì khác biệt. Đến lúc có chuyện gì lùm xùm hay báo chí nêu, giật mình quay lại cưỡng chế, kiểm điểm, báo cáo, rút kinh nghiệm là xong.
Một vấn đề cốt lõi nữa cũng cần lưu tâm là phải giải quyết được nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà cho người dân có thu nhập thấp. Nhà nước làm sao phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân thì họ sẽ không cần phải mua nhà ở trái phép với rất nhiều rủi ro.
|
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng phải có biện pháp phù hợp về quản lý đất, xây dựng ở Bình Chánh. |
Bỏ tư duy làm quy hoạch bằng mệnh lệnh hành chính
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn phân lô, xây dựng không phép là những bất cập về quy hoạch. Theo ông, cần phải tính như thế nào về vấn đề này?
Cần phải có sự đột phá, một “cuộc cách mạng” về quy hoạch ở Bình Chánh. Hiện Bình Chánh có 25.000ha và chỉ tiêu quy hoạch đất nông nghiệp là 10.000ha, trong đó có 2.000ha lúa nước. Thực tế, nhiều nơi quy hoạch là nông nghiệp nhưng không còn sản xuất hoặc không thể sản xuất nông nghiệp do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp. Tuy nhiên, khi làm quy hoạch thì huyện vẫn phải “chấm” là đất nông nghiệp dù hiện hữu đã là dân cư dày đặc để cho đủ chỉ tiêu. Nếu làm không đủ thì không được phê duyệt. Có lẽ đã đến lúc cần phải mạnh dạn bỏ tư duy làm quy hoạch bằng hành chính như thế. Hiện nay Bình Chánh đã có quy hoạch chung và quy hoạch phân khu rồi. Tuy nhiên, cần phải đánh giá chất lượng, hiệu quả của quy hoạch đó trên thực tế như thế nào chứ không phải làm quy hoạch chỉ để phủ kín.
Một thực tế hiện nay là mình đang làm quy hoạch xây dựng lại trước quy hoạch sử dụng đất, trong khi đúng ra phải làm ngược lại. Có nhiều trường hợp làm quy hoạch xây dựng xong, áp lên quy hoạch sử dụng đất là rất khiên cưỡng. Hiện nay quy hoạch xong nhưng chưa cân đối được nguồn lực để thực hiện mà phải ngồi chờ nhà đầu tư tới làm dự án. Dự án làm tới đâu thì hạ tầng tới đó như một vết dầu loang đã làm cho quy hoạch trở nên manh mún. Chính điều này cũng là nguyên do phá vỡ quy hoạch. Vì vậy, nếu vẫn cách làm quy hoạch cũ như hiện nay thì sẽ không giải quyết được dứt điểm câu chuyện của Bình Chánh.
Đô thị mà quản lý theo kiểu nông thôn là không phù hợp
Lúc còn làm chủ tịch huyện Bình Chánh, ông cũng từng nhìn nhận, đánh giá, phân tích những bất cập của một huyện có tốc độ đô thị hóa cao như Bình Chánh và đã trình TP đề án thành lập thị xã Bình Chánh. Tại sao lúc đó đề án không được phê duyệt?
Năm 2012 tôi đã trình đề án thành lập thị xã Bình Chánh để xác lập cơ chế xã nào là đô thị hóa thì là phường, xã nào là nông nghiệp thì vẫn là xã. Nó là đòi hỏi rất khách quan, không thể ép được. Chẳng hạn, thời điểm năm 2012 riêng xã Bình Hưng có 100.000 dân, mỗi ngày phải xử lý 70.000 tấn rác, bằng 1/3 khối lượng huyện Bình Chánh phải xử lý…
Rõ ràng là các xã đã rất bế tắc chứ không hẳn là thiếu trách nhiệm. Do đó cần phải thay đổi và việc này một mình Bình Chánh không thể làm được.
Trước đây, tôi đã kiến nghị mô hình này nhưng lúc đó TP đang nghiên cứu thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên phải tạm dừng đề án. Bây giờ TP chưa áp dụng chính quyền đô thị thì vẫn cần phải nghiên cứu mô hình quản lý phù hợp chứ vẫn giữ như hiện nay là không ổn.
Theo ông, tổ chức chính quyền theo mô hình thị xã như trước đây ông từng đề xuất sẽ còn phù hợp với Bình Chánh hiện nay?
Đề xuất này đã có từ cách đây bảy năm, điều kiện kinh tế-xã hội bây giờ cũng khác. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là đô thị thì phải là chính quyền đô thị mà nông thôn thì phải là chính quyền nông thôn chứ đừng nửa nông thôn nửa đô thị. Còn cụ thể mô hình nào thì Bình Chánh cần phải có nghiên cứu đề xuất cụ thể cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Xin cám ơn ông.
Theo PLO