Một khu đất nông nghiệp nằm tại vùng giáp ranh huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn, TP.HCM được phân lô trái phép với quy mô gần 40 nền.
Cứ ngỡ sau thời gian báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì tình trạng phân lô, bán nền trong phần đất vướng quy hoạch hay đất nông nghiệp sẽ giảm nhưng thực tế không như vậy. Những ngày này, rảo quanh các địa bàn "nóng" ở TP.HCM như Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân..., ai cũng dễ dàng nhận thấy cò đất tung đủ chiêu để giăng bẫy người mua.
Xây nhà lúc... nửa đêm
Gần một năm qua, anh Võ Kim T. (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), chủ thầu xây dựng, thường nhận những công trình xây nhà ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn lúc nửa đêm.
"Khi mọi người ngon giấc cũng là lúc thợ và tôi bắt đầu làm việc. Quá trình xây phải hết sức tĩnh lặng, hạn chế tối đa tiếng động và càng nhanh càng tốt. Sở dĩ phải làm gấp rút vì khi công trình hoàn thành thì chính quyền khó có thể đập bỏ ngay" - anh T. nói và cho biết hiện nay, đất thổ cư ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh không còn nhiều. Vì vậy, gần một năm qua, tất cả công trình do anh nhận xây dựng đều làm "lụi" trên đất nông nghiệp.
UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn dựng bảng cảnh báo người dân không tin lời cò đất.
"Nhưng nghe nói chính quyền địa phương đang làm mạnh và cương quyết đối với tình trạng xây dựng không phép, phân lô, bán nền trên đất quy hoạch?" - chúng tôi thắc mắc. "Cái đó tôi đã nghe nhưng vẫn thấy có người kêu xây nhà. Các chủ nhà cho rằng dẫu biết khi đang xây không phép mà bị phát hiện thì bị đập bỏ nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì lý do lỡ mua đất phân lô, bán nền của cò. Xây để giữ đất và chờ thời nên họ đành liều" - anh T. giải thích.
Sau nhiều lần chúng tôi ngỏ ý muốn đến xem cận cảnh một công trình đang xây, anh T. đồng ý và nhắn đến một khu đất nằm sâu trong đường Lê Thị Dung, xã Vĩnh Lộc A. Tuy nhiên, dù được người này gửi định vị GPS mảnh đất nhưng chúng tôi không thể nào tìm được lối vào, buộc lòng phải chờ có người ra dẫn đi.
Từ đường lớn, một thợ xây dựng dẫn chúng tôi vào một con hẻm rất nhỏ, chỉ vừa một xe gắn máy đi qua. Đi chừng 50m, chúng tôi phải chạy vào khuôn viên của nhà dân để mượn đường. Khi chúng tôi thắc mắc: "Muốn vào nhà phải chạy vào đất hàng xóm?", người này cho biết: "Ở đây, muốn nhà giá rẻ phải như vậy". Nói rồi, anh ta tiếp tục ngoắt tay ra hiệu cho chúng tôi tiếp tục đi theo. Đường vào lại gặp khó khăn khi xe máy chạy lên một bờ ruộng. Hai bên, một nhà vườn đang tất bật xới đất chuẩn bị trồng luống rau mới.
Mảnh đất mà anh T. đang nhận xây nằm giữa bốn bề đất nông nghiệp. Hạ tầng ở đây là bờ đất mà trước đó được lấp bởi kênh nước lâu ngày không dùng đến. Anh T. cho rằng xây nhà trong khu đất khó tìm như vậy thì cơ quan chức năng cũng khó nắm bắt thông tin kịp thời mà xử lý!
Ngang nhiên phá hoại bảng cảnh báo
Kiểm tra từ hệ thống quy hoạch, chúng tôi nhận thấy khu đất mà anh T. đang nhận xây nhà có chức năng làm công viên và đường đi lại nhưng trên các trang giao dịch bất động sản, cò đất vẫn rao bán ồ ạt. Tình trạng này không những xuất hiện ở Bình Chánh mà còn rầm rộ tại huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, khiến chính quyền phải "đau đầu" tìm cách ngăn chặn.
Điển hình thời gian gần đây, UBND huyện Hóc Môn đã treo nhiều thông báo kêu gọi người dân cảnh giác, tránh bị cò đất lừa. UBND huyện Hóc Môn nêu rõ: Thủ đoạn của cò đất là dẫn khách đến các căn nhà khóa cửa hoặc những khu đất đã được phân lô, sau đó đưa ra hàng loạt giấy tờ photocopy có dấu đỏ. Họ liên tục hối thúc đặt cọc, dù đó là nhà xây dựng trái phép hay đất nằm trong diện quy hoạch.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - thông tin gần đây, cò đất còn dụ nhiều hộ dân có đất liên kết lại, sau đó tự ý phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp. Điều đáng nói, người bị mắc bẫy phần lớn là những hộ thu nhập thấp, dân nhập cư. Theo đó, những lô đất nằm sâu trong khu rau màu, đường vào khó khăn nhưng vẫn được phân lô trái phép.
Trước thực trạng trên, hễ phát hiện khu vực nào có dấu hiệu bán đất nền trái phép, lực lượng chức năng địa phương liền cắm bảng cảnh báo. "Thế nhưng, khi bảng cảnh báo được dựng lên cũng là lúc cò đất lấy sơn bôi mờ và thậm chí đập phá, tháo bỏ" - ông Tuấn Anh bức xúc.
Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, địa phương đã phải dán thông báo khắp nơi để cảnh báo người dân không nên mua đất trong các khu nằm trong diện quy hoạch, không được phân lô, bán nền. Thế nhưng, vẫn có trường hợp đặt cọc số tiền từ 50-400 triệu đồng và được cò đất hứa từ 6 đến 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở.
Kiên trì cảnh báo, khuyến cáo
Cũng theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, qua đi thực tế và nắm bắt thông tin trên các trang mạng, UBND quận Bình Tân ghi nhận 9 khu đất ở quận này đang bị cò tung tin để lừa bán trái phép. Trước mắt, chính quyền khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số cò đất, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo như đã nêu để không bị thiệt hại về tài sản.
Ông Bình cho rằng khi có nhu cầu, người mua đất cần liên hệ UBND quận để tìm hiểu thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các dự án đang quan tâm. Khi đó, người có nhu cầu sẽ được hướng dẫn các thủ tục mua bán nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế thấp nhất các rủi ro, tránh bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp lúc tiến hành giao dịch.
Các trường hợp giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thông qua hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn tại các văn phòng thừa phát lại hoặc tại công ty đầu tư cho góp vốn không phải là cơ sở pháp lý để thực hiện sang tên, biến động quyền sử dụng đất cho bên mua. Bởi lẽ, vi bằng chỉ có giá trị là chứng cứ trước tòa khi xem xét, giải quyết tranh chấp.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình còn lưu ý có những trường hợp chủ đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc và gây thiệt hại lớn đến tài sản của người mua.
"Tóm lại, để không bị cò đất hay các đơn vị kinh doanh bất động sản chiếm dụng vốn hoặc lừa đảo thông qua hình thức góp vốn mua bán đất nền trong vùng quy hoạch, để biết thông tin đầy đủ về khu đất mà mình cần mua, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương" - ông Bình khuyến cáo.