Dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế: Giới đầu cơ "dính đòn", BĐS thiết lập mặt bằng giá mới

Thứ ba, 06/08/2019, 11:42
Theo các chuyên gia, sẽ không có chuyện toàn bộ thị trường bị đóng băng sau quyết định này. Việc lùi thời hạn này có lẽ sẽ tác động nhiều nhất đến những nhà đầu cơ lướt sóng.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Động thái này ngay lập tức tác động đến thị trường BĐS nơi đây. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nhỏ lẻ dạng lướt sóng, những người cuối cùng "ôm" đất tại đây sẽ là những người bị thiệt hại nặng nề nhất nếu đề xuất của Chủ tịch tỉnh Kiên Giang được thông qua.

Bàn về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thị trường bất động sản tại Phú Quốc sẽ diễn biến thành hai chiều sau quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

"Đối với nhà đầu tư lớn, bài bản, dài hạn họ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi vì bản thân Phú Quốc không trở thành đặc khu thì đã là điểm du lịch và rất có tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng rồi nên sẽ không có chuyện toàn bộ thị trường bị đóng băng sau quyết định này. Việc lùi thời hạn này có lẽ sẽ tác động nhiều nhất đến những nhà đầu cơ lướt sóng", ông Võ nhận định.

Cùng quan điểm với ông Võ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá đề xuất này của Kiên Giang rất mới nhưng nó nằm trong một sự cân nhắc về điều kiện và thời điểm để hình thành đặc khu ở Việt Nam.

"Sẽ hoàn toàn sẽ không có chuyện thị trường bất động sản đặc khu đổ vỡ sau quyết định này. Bởi việc thành lập các đặc khu để tạo ra các cực tăng trưởng là tất yếu, chỉ là việc chúng ta làm sớm hay muộn", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.

Cũng theo ông Châu, đã có một làn sóng đầu cơ bất động sản tại Phú Quốc khi có thông tin huyện đảo này sẽ trở thành đặc khu kinh tế. Khi tạm dừng quy hoạch đặc khu thì những nhà đầu tư lướt sóng, những nhà đầu cơ cuối cùng có thể sẽ bị thiệt hại. Đó cũng là cái giá phải trả bởi đầu tư nhằm mục đích lướt sóng, đầu cơ, hưởng chênh lệch giá thì không bền vững.

"Với đề xuất tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu của tỉnh Kiên Giang sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó sẽ thiết lập lại mặt bằng giá để chấn chỉnh tình hình đầu tư trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng đấu tranh với các hoạt động đầu cơ", ông Châu nhấn mạnh.

Bàn về việc, giá BĐS Phú Quốc sẽ giảm mạnh sau quyết định này hay không các chuyên gia khẳng định rõ ràng thị trường sẽ bị ảnh hưởng, thanh khoản giao dịch bất động sản tại các khu vực này sẽ giảm, giá sẽ khựng lại. Tuy nhiên, việc giảm mạnh hay không còn phụ thuộc nhiều vào từng sản phẩm. Đối với đất lâm nghiệp, đất không rõ ràng pháp lý chắc chắn sẽ giảm mạnh nhưng đối với những sản phẩm BĐS trong những dự án lớn, được quy hoạch bài bản, phap lý rõ ràng sẽ ít bị ảnh hưởng.

Trao đổi với chúng tôi về việc dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu, đại diện một doanh nghiệp BĐS đang triển khai dự án quy mô tại Phú Quốc cho biết các doanh nghiệp đến với Phú Quốc đề có tầm nhìn dài hạn, về dài hạn trở thành đặc khu hay không thì Phú Quốc vẫn phát triển bởi đây là vùng đất tiềm năng.

Theo vị này, đề xuất này nhìn ở một góc độ khác có lợi cho doanh nghiệp BĐS lớn, đầu tư bài bản. Nguyên nhân bởi thời gian gia khi có thông tin Phú Quốc lên đặc khu thị trường BĐS liên tục sốt ảo, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất nền không rõ về pháp lý giao dịch tràn lan. Việc tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế sẽ giúp thị trường có 1 quãng nghỉ, thanh lọc thị trường.

Về dài hạn, các chuyên gia đều cho rằng trở thành đặc khu hay không thì Phú Quốc vẫn phát triển. Tuy nhiên để phát triển bền vững, tỉnh Kiên Giang cần có một quy hoạch tốt hơn, rõ hơn và đặc biệt là quản lý chặt chẽ hơn để các hoạt động đầu tư tốt hơn.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn