|
Việc cho phép chuyển đất lúa sang đất nông nghiệp khác góp phần giúp người dân bớt khó khăn |
Cởi trói cho đất lúa
Trước đó, Ban Quản lý khu Nam Sài Gòn đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác ở các dự án treo hàng chục năm trời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sống trong khu vực này. Theo đó, các khu vực được TP chấp thuận cho chuyển mục đích từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác gồm: khu B, C, D (trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn) và các khu đô thị cảng Hiệp Phước (H.Nhà Bè), Đại học Hưng Long (H.Bình Chánh) với diện tích đất nông nghiệp và đất lúa rất lớn. Trong đó dự án khu Đại học Hưng Long có tổng diện tích đất khoảng 511ha, diện tích đất lúa tại đây còn khoảng 294ha; dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước có diện tích hơn 3.911ha, với khoảng 100ha đất lúa; khu đô thị mới Nam Sài Gòn cũng có hàng trăm héc ta đất lúa.
Việc chuyển từ đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác giúp người dân có thể làm vườn, nuôi thủy sản; xây một số công trình trên đất để phục vụ nông nghiệp theo quy định của pháp luật như nhà kính, nhà lưới, kho để vật liệu xây dựng... giúp họ sử dụng đất hiệu quả hơn trong thời gian chờ quy hoạch.
Không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân có đất lúa ở các dự án “treo”, TP cũng đã chấp thuận chủ trương đối với khu vực có quy hoạch được duyệt là đất hỗn hợp, đất dân cư xây mới nhưng chưa có quyết định thu hồi đất và chưa có kế hoạch sử dụng đất. Người dân có đất nông nghiệp hợp pháp trong khu vực này có nhu cầu làm nhà ở, được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở. Đồng thời được xem xét tách thửa, cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Theo kết quả rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc năm 2018, TP có hơn 13.500ha đất thuộc các quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây mới. Những loại đất dạng này lâu nay người dân gần như không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được tách thửa vì được xem là một dạng quy hoạch “treo”. Do đó quy định “cởi trói” cho hai loại đất này được chuyển mục đích sử dụng đất, được tách thửa, thậm chí được cấp phép xây dựng sẽ giúp hàng triệu người dân có đất dính quy hoạch “treo” được phục hồi quyền lợi.
Sẽ có hướng dẫn thống nhấtÔng Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Việc cho đất hỗn hợp, đất dân cư xây mới được chuyển mục đích Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ cùng các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các tiêu chí cụ thể để các địa phương thực hiện thống nhất”.
|