Vốn ngoại đổ vào bất động sản sụt giảm mạnh có đáng lo?

Thứ hai, 11/05/2020, 15:17
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc sụt giảm này chỉ là tạm thời vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.

Ảnh minh họa

Như Nhịp sống Doanh nghiệp (BizLIVE) đã đưa tin, Bộ Xây dựng vừa công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2020. Tại báo cáo này, đề cập đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản, Bộ cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid -19, trong quý I/2020, nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (năm 2019 vốn đăng ký là 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI).
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh đã được dự báo từ trước, khi dịch Covid -19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới.
Dưới tác động của dịch bệnh Chính phủ nhiều nước đã ban hành lệnh tạm “đóng cửa” để phòng chống dịch. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam giảm mạnh, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, việc sụt giảm này chỉ là tạm thời vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.
Một báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam khi nhận định về hoạt động đầu tư bất động sản gần đây cho rằng, dù việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở đang bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn vì cách ly xã hội cũng như việc thực hiện giao dịch của khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản bị gián đoạn, tuy nhiên các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.
Đáng chú ý, bên cạnh bất động sản nhà ở, mảng bất động sản du lịch cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, có những kế hoạch thâu tóm lại các tài sản gặp khó khăn. Bởi ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.
Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng đưa du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát. Covid-19 cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam...
"Thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm nhà đầu tư này nhắm tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải dài trên cả 3 miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và TP.HCM. Từ 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt "deal" với tổng giá trị lên tới nửa tỷ USD", TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết.
Theo Bizlive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích