|
Lịch sử các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế trước đây đều cho thấy, dòng vốn đầu tư (đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), các gói cứu trợ dẫu bao phủ trên diện rộng, nhưng đích đến cuối cùng phần nhiều vẫn đổ vào hai thị trường vốn có sức hút lớn, đó là bất động sản và chứng khoán.
Nhận định về triển vọng thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nhìn vào bối cảnh chung của cả thế giới, có thể thấy những nỗ lực chống dịch đang ngày càng chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia đáng sống, một môi trường an toàn, điểm đến hấp dẫn người nước ngoài vào đầu tư, sinh sống. Sau dịch Covid-19 rất có thể làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Trên thực tế, một thị trường M&A sôi động không hẳn chỉ toàn màu hồng, nhất là trong bối cảnh hiện tại khi khó khăn trong ngắn hạn, trung hạn đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể gắng gượng thêm được nữa. Điều này tạo nên một thị trường bán với những đòi hỏi cấp bách về thanh khoản. Đó cũng được coi là điều kiện quan trọng để các thương vụ có thể sẽ được “chốt” một cách nhanh gọn hơn.
Đánh giá về câu chuyện thực tại của doanh nghiệp, tương lai gần của thị trường M&A, bà Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc, Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, trái ngược với lo ngại về tình hình M&A ảm đạm do Covid-19, các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc vẫn lựa chọn thời điểm này để tìm mua các tài sản đang bị áp lực nợ (hay còn gọi là distressed assets), hoặc những tài sản tại vị trí đắc địa trước đây không có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng giờ do cần huy động nguồn tiền mà được đưa ra chào bán.
Một vấn đề khác đang khiến nhiều thành viên thị trường quan tâm, đó là cần làm gì để các thương vụ M&A được xúc tiến một cách nhanh chóng, thuận mua, vừa bán, đôi bên cùng vui. Về câu chuyện này, ông Peter Sorensen, Giám đốc điều hành Công ty ABB Merchant Banking cho rằng, một trong những lý do khiến bên bán và bên mua chưa “gặp” được nhau đó là khác biệt, là khoảng chênh về kỳ vọng giá. Sau pháp lý, thì để đạt được một thương vụ M&A, thỏa thuận về giá cả là vấn đề không dễ có đáp án.
“Nếu bên bán mong đợi 10 lần tỷ lệ EV/EBITDA (EV: giá trị phải bỏ ra để mua toàn bộ vốn cổ phần, nợ vay của doanh nghiệp; EBITDA: lợi nhuận trước thuế lãi vay và khấu hao) nhưng bên mua có giới hạn định giá 7 lần tỷ lệ EV/EBITDA, đơn vị tư vấn có thể phải ứng dụng nhiều công cụ trong khả năng tư vấn của mình nhằm kết nối kỳ vọng giữa hai bên để cấu trúc thỏa thuận”, đại diện ABB lấy ví dụ.
Quả vậy, câu chuyện để các bên có thể cùng chấp nhận một mức giá là điều không đơn giản, đòi hỏi nhiều ở cả tính cởi mở trong các cuộc trao đổi của bên bán và bên mua, trong đó đơn vị tư vấn cũng giữ một vai trò cầu nối quan trọng.
Có lẽ, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang có nhu cầu mua hay bán thì đều cần có một tâm thế sẵn sàng hơn cho các cuộc thảo luận cởi mở. Trong đó, vai trò của các “ông mai” là không hề nhỏ. Và hơn lúc nào hết, giờ là lúc các “ông mai” thể hiện vai trò kết nối của mình, nhưng cần hơn nữa, là “cái gạch nối” cho một thương vụ không chỉ phải vững chuyên môn, thạo thị trường, mà cần tư vấn có tâm, để đảm bảo cho cả hai bên có được một giao dịch công bằng, không thiên lệch, ép giá. Và “ông mai” nào khẳng định được điều này, sẽ là chỗ dựa tin cậy và được nhiều chủ đầu tư lựa chọn.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản